Nhóm cổ phiếu ngân hàng đi ngược thị trường
(DNTO) - Diễn biến bất ngờ trong phiên giao dịch hôm nay, ngày 14/7, cổ phiếu STB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) bất ngờ bị bán mạnh khi có tới hơn 70 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Cùng với STB, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có một phiên không mấy sáng sủa khi toàn nhóm giảm trung bình 0,15%.
Đây là khối lượng giao dịch lớn nhất trong hơn hai năm qua của cổ phiếu STB. Chiều bán khá mạnh diễn ra với cổ phiếu, cho đến hơn hai giờ chiều, dòng tiền lớn bắt đáy đã hạn chế đà rơi của STB. Cuối phiên, mã này chỉ còn giảm hơn 3%, chốt tại 29.000 đồng/cp.
Đây cũng là phiên kỷ lục trong suốt thời gian dài qua của STB khi có tới hơn 76 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trong một phiên, giá trị giao dịch đạt hơn 2,1 ngàn tỷ đồng.
Khối ngoại cũng khá mạnh tay bán STB khi có tới hơn 10 triệu cổ phiếu được khớp lệnh với giá trị mua ròng đạt con số âm gần 300 tỷ đồng.
Diễn biến của phiên giao dịch khá bất ngờ với cổ phiếu ngân hàng này khi đây là một cổ phiếu giữ đà tăng khá tốt trong nhóm thời gian qua. Nếu không tính phiên giao dịch hôm nay, thị giá STB đã tăng 8% từ giữa tháng 6, tăng gần 18% trong ba tháng gần đây.
Kết thúc quý 1 vừa qua, trong bối cảnh toàn ngành không mấy tích cực, lợi nhuận trước thuế của nhà băng vẫn tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ. Chất lượng tài sản được kiểm soát tốt. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,19% do nợ nhóm 2 chuyển sang. Tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,94%, giảm so với quý trước. Nhà băng này dự kiến hoàn thành đề án tái cơ cấu vào cuối năm nay.
Quý 2 năm nay, SSI Research dự kiến, lợi nhuận trước thuế của Sacombank tăng trưởng từ 53-76% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 2-2,3 ngàn tỷ đồng, hoàn thành 46-50% kế hoạch mà đại hội cổ đông thường niên đã đặt ra. Tăng trưởng tín dụng đạt 5% so với đầu năm. Nợ nhóm 2 và nợ xấu tiếp tục được kiểm soát tốt. STB là ngân hàng được SSI dự báo kết quả quý 2 tích cực nhất trong toàn nhóm.
Trong khi đó, theo chuyên gia phân tích Cao Việt Hùng từ Công ty Chứng khoán ACBS, hết quý 1, tài sản tồn đọng của nhà băng gồm giá trị trái phiếu VAMC chưa được trích lập dự phòng và các tài sản cấn nợ là các toà nhà đang được xử lý, có giá trị khoảng 5.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, tài sản thanh lý ước tính khoảng 25.000 tỷ đồng và điều này giúp STB có hơn 19.000 tỷ đồng lợi nhuận tiềm năng nếu các hoat động thanh lý diễn ra suôn sẻ.
Cũng theo nhận định của ông, sau khi hoàn thành tái cơ cấu và không còn áp lực dự phòng, năm 2024, ngân hàng này có thể kỳ vọng mức lợi nhuận trước thuế khoảng 20 ngàn tỷ đồng, tương đương với các ngân hàng có quy mô khác. Định giá STB được định giá khá hấp dẫn khi dự phóng cho năm 2024, P/E và P/B lần lượt là 3,4 lần và 0,8 lần, một cổ phiếu được nhìn nhận khá tích cực trong triển vọng dài hạn.
Không riêng gì STB, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có một phiên không mấy sáng sủa khi toàn nhóm giảm trung bình 0,15%, ghi nhận 8 mã tăng giá, 2 mã đứng giá và có tới 10 mã giảm giá. Ngoài STB, các mã BID, CTG, VPB, SHB... cũng chịu cảnh giảm giá. Một số mã có phần tích cực hơn là VCB (+0,1%); MBB (+1,6%), HDB (+1,6%)...
Trái với nhóm ngân hàng, toàn thị trường hôm nay tăng nhẹ gần 3 điểm, tiếp nối phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp, cùng đó chỉ số VN-Index đạt 1.168 điểm.