Khối ngoại bán mạnh, EIB đứng đầu danh sách
(DNTO) - Khối ngoại bất ngờ bán ròng hơn 1.400 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay, 7/7, kết quả cao nhất kể từ đầu năm đến nay, trong đó riêng mã EIB đã chiếm gần 50% giá trị bán ròng toàn thị trường.
Khối ngoại bất ngờ ghi nhận một phiên tất tay lớn, khi hàng loạt cổ phiếu được khối này xả hàng với khối lượng lớn.
Đứng đầu danh sách bán ròng khối ngoại là cổ phiếu EIB, ghi nhận hơn 34 triệu cổ phiếu bị khối ngoại bán ra với giá trị bán ròng lên tới khoảng 680 tỷ đồng, chiếm gần 50% giá trị bán ròng toàn nhóm, chủ yếu theo phương thức giao dịch thoả thuận.
Sau EIB, tiếp đó là KDC với hơn 203 tỷ đồng và hơn 3,2 triệu cổ phiếu bị khối này bán ra, POW với hơn 36 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, dòng vốn ngoại lại tập trung gom hàng với các mã: HPG với hơn 110 tỷ đồng, STB hơn 34 tỷ đồng, DXG là 106 triệu đồng...
Như vậy, trong phiên hôm nay, khối ngoại đã mang về hơn 2,6 ngàn tỷ đồng, trong khi chỉ giải ngân hơn 1,2 ngàn tỷ đồng, một phiên bán mạnh nhất của khối này tính từ đầu năm đến nay.
Trở lại với cổ phiếu EIB của Ngân hàng cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam, nhiều nhà đầu tư đặt nghi vấn về một dòng tiền nội đã hấp thụ nguồn cổ phiếu do khối ngoại bán ra, trong bối cảnh doanh nghiệp còn không ít biến động do lùm xùm từ phía ban lãnh đạo. Cuộc chiến về quyền lực của doanh nghiệp này vẫn là câu chuyện còn bỏ ngỏ, chưa có hồi kết.
Trong bối cảnh vốn ngoại xả hàng mạnh, chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận sự bật tăng mạnh mẽ hơn 11 điểm, chốt phiên tại 1.038 điểm. Khối tự doanh hôm nay mua ròng theo phương thức khớp lệnh hơn 290 tỷ đồng. Thanh khoản toàn thị trường giảm nhẹ hơn phiên hôm qua chỉ còn hơn 18,7 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn.
Sang tuần mới, thị trường chứng khoán được nhận định vẫn còn nhiều thách thức khó lường, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, báo cáo quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ lần lượt ra mắt, kết quả dự đoán sẽ khó khả quan như cùng kỳ năm ngoái. Cùng đó, các thông tin vĩ mô bên ngoài cũng không mấy tích cực như nhiều ngân hàng trung ương vẫn chưa thể nới lỏng chính sách tiền tệ trước áp lực cao của lạm phát. Trong nước, cầu đầu tư, cầu tiêu dùng còn thấp khiến cầu tín dụng chưa thể tăng cao.
Theo VCBS, vùng điểm 1.140 vẫn đang là mốc kháng cự mạnh trong ngắn hạn. Do đó, chỉ số VN-Index vẫn cần phải có phiên tăng điểm với lực cầu tốt để bứt phá ra khỏi vùng kháng cự và hướng lên khu vực 1.170 điểm.
Ngược lại, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng trở lại ở vùng điểm tâm lý thì xác suất cao thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh mạnh hơn.
"Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm, khuyến nghị các nhà đầu tư hạn chế giải ngân khi thị trường vẫn nằm trong vùng nhạy cảm và chưa rõ xu hướng", VCBS nhận định.