'Nhạy cảm' với rủi ro pháp lý khiên doanh nghiệp không dám đầu tư lớn
(DNTO) - "Đối với các dự án đầu tư lớn, thực hiện trong thời gian dài, các nhà đầu tư luôn đòi hỏi tính ổn định của môi trường pháp lý... Rủi ro pháp lý cao đang khiến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp kém thuận lợi", ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp chế, Ban Pháp chế (VCCI) nhấn mạnh.
Ngày 4/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2022. Trong đó, mong muốn quan trọng mà cộng đồng doanh nghiệp muốn truyền tải trong Báo cáo này đó là sự ổn định môi trường pháp lý. Rủi ro pháp lý cao đồng nghĩa với hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp kém thuận lợi.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI cho biết trong những năm gần đây, doanh nghiệp phản ánh khá nhiều về tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong các quy định liên quan đến đầu tư kinh doanh, tạo thành điểm nghẽn của môi trường đầu tư.
Nhà nước cũng đã có nhiều biện pháp khắc phục, thông qua các hoạt động rà soát, sửa đổi các quy định gây vướng. Chẳng hạn, năm 2020, Tổ công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ tiến hành rà soát 11 nhóm vấn đề liên quan đến kinh doanh, hay ngay từ đầu năm 2022, Quốc hội đã ban hành một luật sửa 8 luật về kinh doanh, để gỡ vướng cho một số hoạt động đầu tư.
"Tuy vậy, các hoạt động này chỉ mang tính chất “giải quyết tình huống”, sửa chữa một vài quy định bất cập mà chưa xem xét một cách tổng thể hệ thống văn bản pháp luật", ông Đức cho hay.
Doanh nghiệp có khả năng dự đoán sự thay đổi quy định pháp luật tốt hơn thì thường có kết quả kinh doanh tốt hơn so với những doanh nghiệp không có khả năng dự đoán. Nhưng theo điều tra của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp dự đoán được thay đổi trong quy định pháp luật của Trung ương từ năm 2013 đến năm 2021 có chiều hướng giảm, năm 2021 thì chỉ còn 4,55% doanh nghiệp dự đoán được.
Nêu khó khăn cụ thể, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) nhấn mạnh, chỉ riêng lĩnh vực đầu tư bất động sản, có khoảng 12 luật tác động trực tiếp vào các hoạt động, trong đó có nhiều điểm không đồng nhất nên các dự án khiến doanh nghiệp và các cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử như Luật Quy hoạch đô thị thì quy định dự án phải được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mới tiến hành làm quy hoạch và xin phê duyệt trong khi Luật Đầu tư 2020 lại quy định dự án muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Hay Luật Kinh doanh bất động sản Điều 57 quy định bên bán chỉ được thu tiền đến 95% giá trị hợp đồng khi bên mua chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhưng ở Luật đất đai lại quy định phải nộp 100% tiền thì cơ quan quản lý mới được cấp giấy chứng nhận... Đây chỉ là một vài ví dụ về sự chồng chéo, không thống nhất giữa các luật, không khác gì "đánh đố" doanh nghiệp.
"Chúng tôi cho rằng trong lần rà soát, chỉnh sửa lại một loạt các luật quan trọng như hiện nay cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật để tháo gỡ cho các doanh nghiệp. Giải quyết được vấn đề này là sẽ tháo gỡ cho các doanh nghiệp khỏi các ách tắc, chờ đợi mất thời gian mà thời gian là tiền bạc của doanh nghiệp", ông Hiệp nói.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật chuyên ngành liên quan chưa có nhiều chuyển biến. Thực tế, số lượng các điều kiện kinh doanh cắt bỏ rất ít hoặc chỉ cắt bỏ những điều kiện kinh doanh ít ý nghĩa, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp...
Ban Pháp chế VCCI cho rằng, với rủi ro pháp lý như hiện nay, doanh nghiệp nhỏ chịu tác động lớn, còn doanh nghiệp lớn trong nước lại không muốn đầu tư lớn. Rủi ro pháp lý tác động đến mọi doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp FDI được bảo hộ bởi Chính phủ họ và các cam kết bảo hộ đầu tư của Việt Nam. Khi làm ăn quá bất lợi, họ có thể ra đi. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam không thể ra đi.
Nhấn mạnh, năm 2023, nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho rằng, giảm rủi ro pháp lý, tăng cường tính ổn định có ý nghĩa lớn trong việc thu hút đầu tư vào các dự án lớn, phát triển kinh tế tư nhân và tăng động lực để các doanh nghiệp kinh doanh bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
“Tuân phủ pháp luật là bắt buộc nhưng cũng liên quan đến cách điều hành, vận hành, ban hành chính sách. Những doanh nghiệp lớn đầu ngành như những con tàu lớn, không thể "phanh gấp" nên rất cần môi trường kinh doanh ổn định”, Chủ tịch VCCI nêu rõ.
Theo đó, về giải pháp, VCCI tiếp tục nhấn mạnh đến việc tăng cường tham vấn, lấy ý kiến doanh nghiệp khi soạn thảo các văn bản pháp luật, các quy hoạch và các cam kết quốc tế có liên quan; thực hiện tốt hơn công tác cung cấp thông tin chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp...
Đặc biệt, theo VCCI, đảm bảo nguyên tắc không hồi tố bằng quy định chuyển tiếp hợp lý cũng như các biện pháp bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật.