TS Cấn Văn Lực: Cần cơ chế 'khuyến khích' hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ
(DNTO) - Theo TS. Cấn Văn Lực, kinh tế tư nhân đang chiếm 98% trong số 800.000 doanh nghiệp hiện nay. Để phát huy vai trò quan trọng của khu vực này, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp nhất là chính sách để khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ.
Ngày 2/4, Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần II năm 2023 diễn ra với chủ đề "Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế", do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) tổ chức.
Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, cách đây mấy ngày, Thủ tướng vừa ký Nghị quyết số 45 về Chương trình hành động của Chính phủ trong phát triển kinh tế tư nhân giai đoạn mới.
Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam có 1,5 triệu doanh nghiệp; năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp và hình thành, phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Kinh tế tư nhân đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước từ 13,88% năm 2016 đến 18,5% tổng thu ngân sách năm 2021 và chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu, gấp gần 7 lần về nhập khẩu và 10 lần về xuất khẩu so với khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân cũng đóng góp lớn cho phát triển kinh tế xã hội, đóng góp trong vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 51,3% năm 2016 lên đến 59,5% năm 2021.
Đặc biệt, từ nay đến năm 2025 kinh tế tư nhân có thể đóng góp 55% GDP, đến năm 2030 chiếm 65% GDP nền kinh tế, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế...
Song cũng phải thừa nhận, hiện năng lực hội nhập và cạnh tranh kinh tế quốc tế của doanh nghiệp Việt còn hạn chế, mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở mức thấp.
"Doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu là gia công, nhập khẩu để sản xuất, gia công rồi xuất khẩu - liên kết ngược. Năng lực quản trị của doanh nghiệp Việt hiện thấp nhất khu vực ASEAN. Đặc biệt, kinh tế tư nhân hiện mới chỉ đóng góp khoảng 46% trong GDP, nên trong 2 năm tới để tăng lên 55% vẫn lag bài toán rất thách thức...”, ông Lực nói.
Theo đó, nhằm nâng cao đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đưa ra một số khuyến nghị.
Cụ thể, cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, bao trùm; chú trọng kiến tạo để các thị trường phát triển hài hòa, thông suốt, lành mạnh và bền vững. Hoàn thiện thể chế, cải thiện thực chất, mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh.
Đặc biệt, xây dựng cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp để "khuyến khích" hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ
"Hoạt động của các hiệp hội cần được nâng tầm, thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Muốn vậy, bản thân các hiệp hội cần quan tâm nâng cao chất lượng và hiệu quả của tổ chức, bộ máy, quy trình và phương thức hoạt động,...", ông Lực nhấn mạnh.
Đối với doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, ông Lực cũng lưu ý phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp mình trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Đồng thời, quan tâm xây dựng và phát triển cc có chính sách rõ ràng, nhất quán để hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển văn hoá trong doanh nghiệp; Đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin tại doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có cấu phần về chuyển đổi số và nhất quán thực thi.
Chú trọng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh và quản trị rủi ro; Chủ động hợp tác, liên kết, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và khu vực. Tích cực tham gia trong kiến tạo và phát triển môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, công bằng thông qua đóng góp các ý kiến, phản biện chính sách để góp phần hoàn thiện và thực thi thể chế.