Đã đến lúc những con 'sếu đầu đàn' của nền kinh tế Việt Nam tự tin sải cánh?
(DNTO) - Để có thể giúp doanh nghiệp Việt phát triển lớn mạnh, đất nước “hoá rồng”, đòi hỏi nhà nước phải cởi bỏ "tấm áo chật" đang ngày đêm bó buộc doanh nghiệp và trao cho họ quyền tự chủ thực chất. Nhưng điều này liệu có xa vời với Việt Nam ở hiện tại và cả trong tương lai?
Từ những trăn trở...
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao phải dựa vào khả năng tự lực, tự cường của các doanh nghiệp lớn trong nước- những “sếu đầu đàn” bay nhanh, bay xa, bay đúng hướng dẫn dắt nền kinh tế phát triển.
Thực tế cho thấy, các tập đoàn kinh tế lớn như Hyundai, Samsung, LG, Toyota, Mitsubishi, Panasonic,... là những doanh nghiệp đầu đàn, có những năng lực cạnh tranh toàn cầu, mang đến sự phồn thịnh cho nền kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản.
Tuy nhiên đây lại là thách thức rất lớn. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vị trí, vai trò, kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 đã thẳng thắn nhận định, chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn thấp hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn kinh doanh. Một số doanh nghiệp quy mô lớn có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh còn thấp, nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn.
Đặc biệt, suốt 5 năm vừa qua, rất ít dự án, công trình mới của doanh nghiệp tên tuổi được khởi công. Hầu như các doanh nghiệp chỉ thực hiện những dự án dở dang hoặc xử lý dự án còn tồn đọng từ giai đoạn trước.
Thực tế cho thấy Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp “tỷ đô”, nhưng rất ít doanh nghiệp có đủ khả năng cạnh tranh toàn cầu. Chúng ta cũng thấy, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, mà có thể kể đến như VinGroup, Thaco, FPT, Vietjet Air, Hòa Phát, Vinamilk, Thaco… Đếm đi đếm lại cũng chỉ chừng 10 cái tên- con số này còn quá ít và cũng chỉ mới mấp mé ngưỡng của khu vực. Sở hữu những tập đoàn kinh tế thật sự có quy mô lớn, năng lực tài chính, công nghệ, quản trị mạnh,..., đang là điều Việt Nam thực sự thèm khát.
Nếu sử dụng xuất khẩu làm tiêu chí, thước đo để đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì có thể thấy, khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp Việt còn "mờ nhạt". Theo tổng hợp số liệu, trong lĩnh vực trọng yếu như thương mại với số thu cân đối ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 13,81% tổng thu ngân sách nhà nước, thì trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 9,36%, còn doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước vô cùng mỏng khi chỉ chiếm khoảng 2,2%.
Trong cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 3 vừa qua, nguyên do căn cơ của tình trạng này được nhiều vị lãnh đạo doanh nghiệp gửi "tâm tư": Hàng triệu tỷ đồng, những lợi thế hiếm có của những ngành nghề, lĩnh vực then chốt nhất của nền kinh tế bị ghim trong tầng lớp quy trình, thủ tục và tâm lý chọn an toàn, sợ sai của những người đứng đầu.
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) trầm ngâm khá lâu trước câu hỏi, VNPT có thể là một trong trong 10 doanh nghiệp đạt mức 5 tỷ USD vào năm 2025 không, thực sự là một con sếu đầu đàn của nền kinh tế không?
“Nếu cả hệ thống mong muốn và cùng làm, tôi nghĩ chỉ mất 5 năm hoặc cùng lắm là 10 năm”, ông Thái nói.
Nhưng nguyên do căn cơ của tình trạng này mới là điều khiến nhiều vị lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước như ông Thái trăn trở, khi phải ẩn mình trong nỗi ấm ức không dám làm doanh nghiệp đúng nghĩa.
“Trong thời buổi 4.0, nếu phải đúng mới làm thì không thể sáng tạo, không dám làm. Mà đã không dám làm thì không thể dẫn dắt, không thể tiên phong được. Nên tôi mới nói, nếu có cơ chế, chính sách phù hợp, doanh nghiệp nhà nước sẽ thay đổi thực sự, sẽ thành những doanh nghiệp tỷ đô tầm cỡ khu vực, toàn cầu”, ông Thái nói.
Liên tiếp trong các đề xuất, kiến nghị gần đây gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước vẫn xin được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quyết định tiền lương, thưởng, tuyển dụng cán bộ; xin được phân cấp quyết định dự án tùy theo quy mô, lĩnh vực hoạt động.
Đơn cử, Viettel đề xuất phân cấp cho Hội đồng Thành viên (HĐTV), Chủ tịch các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được quyền quyết định các dự án đầu tư xây dựng, mua bán tài sản cố định với giá trị 10.000 tỷ đồng và không quá 50% vốn chủ sở hữu để doanh nghiệp chủ động trong công tác đầu tư phát triển.
Hay như Vinatex đề nghị cơ chế ủy quyền cho người đại diện phần vốn nhà nước biểu quyết trong HĐQT, HĐTV những quyết định đầu tư có tổng mức dưới 10% tổng tài sản trong báo cáo tài chính gần nhất, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu sau.
“Tôi rất buồn vì tiềm lực có mà không phát triển tương xứng. Chúng tôi cũng rất cố gắng, nhưng cơ chế chính sách đáng ra phải mở, chứ cứ bó lại thì doanh nghiệp nhà nước không thể phát triển được. Với chúng tôi, điều quan trọng là làm sao để người đại diện vốn, Chủ tịch HĐQT tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự tin nghĩ đến những nhiệm vụ lớn lao, như cá có môi trường nước, không khí phù hợp mới có thể "hóa rồng”, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel trần tình.
Rõ ràng, những cải cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam vừa qua vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, không thực chất, mang nặng tính hình thức. Không những thế, nhiều quy định, rào cản gây khó cho doanh nghiệp đang có xu hướng quay trở lại.
“Nếu để doanh nghiệp suốt ngày phải đi xin được đầu tư ở đâu, thoái vốn chỗ nào, hay đội ngũ quản trị không có đất dụng võ, không có không gian cống hiến thì cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân còn khó, chứ đừng nói đến thu hút người tài, người giỏi, đừng nói đến sứ mệnh "sếu đầu đàn" của doanh nghiệp nhà nước”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thẳng thắn.
...đến kỳ vọng được “nuôi lớn"
Nền kinh tế Việt Nam, lệ thuộc nhiều vào khu vực FDI, khi thành phần kinh tế này chiếm trên 70% giá trị sản xuất công nghiệp và trên 70% giá trị xuất khẩu. Với độ mở kinh tế lớn, nhưng quy mô còn hạn chế, sức chống chịu có hạn, buộc chúng ta phải xây dựng nền kinh tế tự chủ để chống chọi các tác động bên ngoài. Nếu không xây dựng hệ thống doanh nghiệp "giường cột", nền kinh tế sẽ không phát triển nổi và rất dễ bị “tổn thương” từ bên ngoài.
Việt Nam đang cần một chiến lược phát triển doanh nghiệp đến năm 2030, trong đó việc cần làm là xây dựng đề án phát triển doanh nghiệp Việt, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. “Đàn sếu Việt” sẽ hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển và rút ngắn khoảng cách với các cường quốc trên thế giới. Đây là nội dung luôn được làm "nóng" tại nghị trường Quốc hội.
Với bài toán hình thành được “sếu đầu đàn”, theo ông Võ Trí Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Chính phủ cần tạo dựng “cột kèo” cho các tập đoàn lớn mạnh đúng nghĩa. Đó là doanh nghiệp lớn không chỉ là có vốn nhiều mà phải có “chất”. Chất ở đây là doanh nghiệp phải làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo và có thương hiệu quốc tế, có tính lan tỏa, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khác phát triển.
Trở lại với thực trạng phản ánh của nhiều doanh nghiệp lớn như Viettel, EVN…, cơ chế hiện nay đối với doanh nghiệp ví như “tấm áo chật”, khi bị trói buộc bởi nhiều quy định, lại phải lớn trong một môi trường thể chế phân biệt đối xử, và phải gánh nhiều khoản chi phí nặng nề...Theo đó, để có thể “kết thành lực lượng”, tạo thành sức mạnh quốc gia, nương tựa vào nhau trong cuộc cạnh tranh quốc tế, nhà nước phải có hành động cụ thể, với các cơ chế, thể chế tốt và môi trường kinh doanh thông thoáng, quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản được bảo đảm...
"Trong Chiến lược xây dựng và phát triển doanh nghiệp đến năm 2030, cần có hệ thống chính sách hỗ trợ đồng bộ, hiệu quả để khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Trong đó phải sửa đổi các văn bản pháp luật với định hướng đột phá, như quản lý theo mục tiêu và Nhà nước chỉ định kỳ giám sát, cho phép các doanh nghiệp này hình thành các quỹ đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm, cần nghiên cứu cơ chế, chính sách tiền lương cho nhân lực chất lượng cao...", ông Thành nêu góc nhìn.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển riêng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng của đất nước.
Việc nghiên cứu, sửa Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) hiện vẫn đang giao Bộ Tài chính thực hiện để trình Quốc hội, bảo đảm đúng tiến độ...
Cho dù vẫn còn khá lấn cấn về tiến độ và cả chất lượng những dự thảo mà các bộ, ngành đang hoàn thiện, nhưng các doanh nghiệp đang đặt kỳ vọng nhiều vào những thay đổi này. Không gian để doanh nghiệp nhà nước làm khác, làm lớn thực sự đang được mở ra, để những con sếu đầu đàn của nền kinh tế Việt Nam tự tin cất cao cánh.