Khơi thông nguồn lực, phá vỡ 'sức ỳ' của khu vực doanh nghiệp nhà nước
(DNTO) - Theo các chuyên gia, việc nhanh chóng cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước cùng những đột phá trong hoàn thiện thể chế, chính sách từ quy mô và nguồn lực có sẵn, được kỳ vọng "cỗ xe" doanh nghiệp nhà nước sẽ lăn bánh nhanh hơn, tạo ra lực kéo thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển.
Nhiều "điểm nghẽn" ghìm chân cỗ xe doanh nghiệp nhà nước
Theo các chuyên gia, vấn đề quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhiều năm qua đã bộc lộ nhiều “lỗ hổng” trong cơ chế và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật khiến cho hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa đạt kỳ vọng, thậm chí là “đầy tai tiếng”.
Theo kết quả thống kê của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016-2020 số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015, chỉ còn chiếm khoảng 0,08% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước tính đến thời điểm 31/12/2020.
Điểm danh các nguyên nhân gây thất thoát tài sản nhà nước, tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng: "Chính việc kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến lỗ, làm mất vốn, cùng với đó, mua bán tài sản làm thất thoát tài sản và tiền vốn và định giá doanh nghiệp thấp khi cổ phần hóa..., là những biểu hiện của việc hao hụt túi tiền nhà nước", ông Hùng nhấn mạnh.
"Vẫn có tâm lý ngại làm, sợ trách nhiệm, không chỉ trong cổ phần hoá thoái vốn mà kể cả các dự án đầu tư. Ví dụ như Dự án sân bay Long Thành, vướng mắc nhưng không báo cáo kịp thời, Thủ tướng Chính phủ đã đến làm việc tận nơi và chấn chỉnh, dự án đã bắt đầu huyển động", ông Hùng thẳng thắn nói và đặt câu hỏi về "trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan ở đâu?".
"Tương tự, đối với Dự án Nhà máy Thái Bình 2, nếu như không có sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, ráo riết của Thủ tướng, Phó Thủ tướng thì Dự án sẽ khó có kết quả như hiện nay. Đặc biệt, là sự thiếu minh bạch trong tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước. Hầu như không có doanh nghiệp nào báo cáo đầy đủ lúc nào lỗ, lúc nào lãi. Khi cần tăng chức, tăng quỹ lương hoặc để xin vốn thì ngay lập tức sẽ có báo cáo lãi, khi làm việc với cơ quan tài chính để nộp thuế thì lại có một báo cáo lỗ. Đó là lí do vì sao nhiều người nói báo cáo tài chính của các doanh nghiệp được phù phép biến hóa giữa lỗ và lãi", ông Hùng bày tỏ.
Một vấn đề khác được ông Hùng chỉ ra là quá trình thực hiện cổ phần hóa còn có nhiều sai phạm rất nghiêm trọng. Cụ thể như vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty xây dựng Công trình Giao thông 1 - Công ty Cổ phần và các đơn vị liên quan. Theo đó, trong quá trình cổ phần hóa, hội đồng thành viên Tổng công ty đã có hành vi bỏ ngoài giá trị doanh nghiệp một số tài sản trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước.
Hoặc như trường hợp cổ phần hóa Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam, khi xác định giá trị doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần, ban chỉ đạo cổ phần hóa không chỉ đạo, kiểm tra, xác định lại các khoản đầu tư tài chính, đầu tư chứng khoán phát sinh tăng hoặc giảm, so với giá đang hạch toán trên sổ kế toán. Việc xác định lại giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần thực hiện chưa đúng quy định, phản ánh không chính xác giá trị doanh nghiệp...
Để bộ máy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hết cảnh "ì ạch"?
Trong bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều biến động khó lường… dự báo tác động nhiều mặt đến năng lực sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh và sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp.
Để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của mình, thực sự là “lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, cho rằng, việc tồn tại hai giá đất là giá nhà nước và giá thị trường như hiện nay khiến việc phải bám sát giá đất thị trường theo hướng “nước nổi, bèo nổi” rất bất cập.
Đặc biệt, liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, trước đây tiền thuê đất hàng năm không tính vào giá trị doanh nghiệp, còn tiền thuê đất một lần tính vào giá trị doanh nghiệp.
Khi tiền thuê đất một lần được xác định không sát giá trị thị trường thì đây chính là lỗ hổng gây thất thoát, chưa nói đến việc sau khi nộp tiền thuê đất một lần, doanh nghiệp đã cổ phần hóa sẽ chuyển mục đích sử dụng đất, khi đó việc xác giá trị đất không chính xác càng gây thất thoát lớn, thậm chí “giết chết” hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Nếu tính tiền thuê đất hàng năm, thì khi tái cơ cấu doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ phải tăng năng lực sản xuất để cạnh tranh với ngành nghề đã được cấp phép, nhưng nếu chạy theo lợi nhuận chênh lệch từ địa tô đất đai, họ sẽ đóng cửa sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, người lao động bị mất việc, nền sản xuất ngày càng bị thu hẹp.
Còn định hướng tách hay không còn phải rà soát kỹ để tránh thất thoát trong cổ phần hóa, và đảm bảo đất đó phải được quản lý chặt tránh lợi dụng, hay định giá cũng vậy phải tính đúng tính đủ, phù hợp thực tế. Đất đai phải đồng bộ chứ không riêng chỉ trong quá trình cổ phần hóa. Nếu sửa luật đất đai thì phải đồng bộ, phải tách bạch. Làm gì thì làm cũng phải bám sát theo luật hiện hành, trong đó có Luật Đất", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nêu quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhấn mạnh rằng, vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nên được giao cho các đơn vị quản lý vốn chuyên nghiệp thay vì để rải rác ở các bộ ngành, cơ quan hành chính sự nghiệp các địa phương như hiện nay.
"Việc tách bạch chức năng quản lý vốn và chức năng quản lý hành chính nhà nước sẽ chấm dứt tình trạng “bỏ bê, vừa đá bóng vừa thổi còi” trong quản lý vốn nhà nước. Khi được quản trị chuyên nghiệp, doanh nghiệp sẽ thay đổi, đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn, và kết quả là đồng vốn nhà nước gia tăng", ông Cung cho hay.