Doanh nghiệp 'ngấm đòn' ra sao trong bối cảnh lãi suất tăng?
(DNTO) - Lãi suất cho vay tăng là điều khó tránh khỏi khiến doanh nghiệp đang khó khăn lại càng bị động trong kế hoạch kinh doanh cuối năm. Để tự cứu mình, buộc doanh nghiệp phải sử dụng vốn thận trọng, co kéo tiết kiệm hơn. Đồng thời cũng đặt ra bài toán cho chính sách tiền tệ trong việc điều hòa vốn cho nền kinh tế.
Ngày 22/9, Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng. Có thể nói việc tăng lãi suất để bảo vệ nội tệ trong bối cảnh hiện nay là vấn đề của cả thế giới và được truyền dẫn vào Việt Nam.
Trong lịch sử, Việt Nam từng phải điều chỉnh tỷ giá 9,2% và doanh nghiệp phải mất nhiều năm để phân bổ lỗ do tỷ giá. Chưa kể, nếu tiền đồng mất giá, lạm phát tăng, người nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vì vậy, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo vệ giá trị tiền đồng là mục tiêu số một của chính sách tiền tệ hiện nay, kể cả khi buộc phải hy sinh lãi suất.
Song rõ ràng, tăng lãi suất thì chắc chắn kéo theo chi phí vốn huy động tăng, cho vay lập tức cao. Lãi suất cao và khó tiếp cận nguồn vốn lại là rào cản đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là trong quý IV - giai đoạn chạy nước rút để hoàn thành mục tiêu và kết quả có được sẽ là tiền đề cho năm tới.
Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất thời điểm này là có đủ tiền để nhập nguyên liệu, mua máy móc thiết bị..., để chuẩn bị đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm. Song, thực trạng này đã làm cho nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư, thu hẹp sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng...
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty Xây dựng Việt Thủy, cho hay khoản vay của công ty này sắp tới kỳ đáo hạn, nếu tiếp tục được vay, ông cũng lường trước lãi suất cho vay không còn rẻ như trước nữa. Lãi suất cho vay thực tế đã tăng so với thời kỳ dịch bệnh, sắp tới có thể tiếp tục tăng thêm do mặt bằng lãi suất huy động tăng.
“Trần lãi suất huy động có kỳ hạn vừa chính thức được tăng thêm 1% khiến doanh nghiệp thêm gánh nặng chi phí trong bối cảnh nền kinh tế vừa phục hồi, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao. Chúng tôi đang cơ cấu lại nguồn vốn cũng như sắp xếp lại các dự án, thay vì triển khai cùng lúc nhiều dự án như trước, chúng tôi sẽ tập trung vào một số dự án sắp hoàn thành, rồi mới triển khai tiếp để tiết kiệm vốn”, ông Hoàng nói.
Ông Ðỗ Hồng Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Bạch Ðằng, cho hay: Doanh nghiệp xây dựng hiện nay giống như "nạn nhân kép", vừa nợ ngân hàng với lãi suất cao, lại vừa là chủ nợ của nhà đầu tư. Trong khi đó, đặc trưng của doanh nghiệp xây dựng, xây lắp là: giá trị hợp đồng lớn, thi công kéo dài, chịu chi phí lãi vay ngân hàng cao vì vốn đầu tư công trình lớn, quyết toán chậm... Do đó, cần tính đến hiệu quả quay vòng vốn nhanh, tính toán phương án đầu tư phù hợp nếu không thì khả năng thua lỗ lớn vì lãi suất ngân hàng.
Không chỉ lãi suất cho vay tiền Đồng có dấu hiệu tăng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chia sẻ lãi vay bằng USD đã cao gần gấp đôi năm ngoái, hiện dao động khoảng từ 4,3 – 4,5%/năm.
“Năm ngoái, công ty tôi vay USD tại ngân hàng thương mại chỉ 2,8%/năm, nay tăng gần gấp đôi là quá cao đối với doanh nghiệp. Diễn biến này sẽ khó khăn trong bối cảnh thiếu hụt đơn hàng, đơn giá xuất khẩu không thể tăng được. Chúng tôi đang tính điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vì rủi ro", Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản chia sẻ.
Khi trần lãi suất cho vay nhích cao, lại bồi thêm bối cảnh lạm phát đang tăng, dịch chuyển dòng vốn, chính sách của các nước lớn… đây đều là những áp lực mà doanh nghiệp phải đối mặt. Do đó, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần rà soát dự án đầu tư. Ðặc biệt, các doanh nghiệp cần định hướng kinh doanh và cơ cấu lại nguồn vốn, giảm thiểu các chi phí hoạt động, tập trung vốn cho ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; tăng cường liên doanh, liên kết... để vượt qua khó khăn hiện nay.
Nguồn lực nào cho doanh nghiệp "vượt cạn"?
Ổn định lãi suất cho vay đang là mong muốn của doanh nghiệp, cũng như của Chính phủ. Giữ ổn định lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động tăng là bài toán khó của ngành ngân hàng. Song mục tiêu này không phải không thực hiện được.
Cụ thể như dư địa từ gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỷ đồng mới giải ngân chưa đáng kể và dư địa còn nhiều. Thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất sẽ làm trung hòa tác động tiêu cực của việc tăng lãi suất cho vay.
Cùng với đó, ngân hàng nhà nước vẫn còn nhiều công cụ để khuyến khích ngân hàng thương mại giữ mặt bằng lãi suất cho vay, như công cụ room tín dụng. Tuy vậy, mặt bằng lãi suất cho vay ổn định - nếu giữ được, cũng chỉ áp dụng với các lĩnh vực ưu tiên. Với các lĩnh vực khác, đặc biệt lĩnh vực tín dụng rủi ro, lãi suất cho vay tăng là khó tránh. Đây là điều doanh nghiệp và cả nền kinh tế phải chấp nhận trong bối cảnh lạm phát và lãi suất toàn cầu tăng chóng mặt.
Đặc biệt, Nghị định 65/2022/NP-CP của Chính phủ vừa ban hành được đánh giá là "dễ thở" hơn so với dự thảo trước đó, kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp khởi động lại kênh huy động vốn bằng trái phiếu, giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Nêu quan điểm, GS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng cần có những biện pháp hỗ trợ, tăng cường nguồn lực nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển, tạo ra vị thế và giữ vững chỗ đứng trên thị trường.
Muốn vậy, chúng ta cần thực hiện đúng chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt nhưng không phải thắt chặt; cần bổ sung các công cụ, mở rộng thêm các yếu tố để kiểm soát tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể là, những ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân thấp hơn mức bình quân chung thì tốc độ tăng trưởng phải cao hơn ngân hàng khác; những ngân hàng duy trì được khoản chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất vay thấp thì các ngân hàng đấy cũng sẽ được tăng trưởng tín dụng cao.
Nếu bên cạnh các chỉ tiêu kiểm soát an toàn hệ thống, chúng ta sử dụng những tiêu chí này để kiểm soát tăng trưởng tín dụng thì sẽ khuyến khích được các ngân hàng thực hiện quản trị tốt, các chi phí hoạt động thấp, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro thấp nên duy trì được lãi suất cho vay thấp và lãi suất huy động cao.
"Đó là giải pháp để thúc đẩy các ngân hàng xác định mức chi phí và lợi nhuận hợp lý để có mức hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, có thể huy động tiền gửi, thu hút tiền nhàn rỗi nhiều hơn để giảm tiền mặt trong lưu thông cũng là giảm lạm phát, không xảy ra tình trạng các ngân hàng chạy đua để tăng lãi suất", ông Cường cho hay.