Ngành bất động sản nhà ở: Lãi suất giảm giúp thị trường dần 'rã đông'
(DNTO) - Giới phân tích cho rằng khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản đã qua, tuy nhiên những thách thức vẫn còn đó và thị trường kỳ vọng ấm dần lên vào nửa cuối 2024.
Báo cáo nhận định về ngành bất động sản nhà ở hiện nay, do VNDirect vừa phát hành cho thấy lượng tiêu thụ nhà trong nửa đầu 2023 giảm 54% so với cùng kỳ ở cả TP.HCM và Hà Nội, nhưng so với quý trước, lượng tiêu thụ đã lần lượt tăng 52%/171% ở TP.HCM và Hà Nội do thiếu hụt nguồn cung mới trong quý 2/2023.
Báo cáo cũng chỉ ra các nút thắt đang được tháo gỡ quyết liệt, khi nhận thấy những dấu hiệu tích cực từ các doanh nghiệp bất động sản chủ động mua lại trước hạn các khoản trái phiếu doanh nghiệp giá trị 12.561 tỷ đồng, giúp giá trị trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối 2023 và 2024 giảm lần lượt 12% và 10% so với trước khi mua lại. Qua đó giảm áp lực đáo hạn trái phiếu dù, áp lực vẫn ở mức cao, đặc biệt với các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về dòng tiền.
Trong 6 tháng 2023, giới phân tích nhận thấy rủi ro mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp bất động sản đã giảm nhẹ khi các doanh nghiệp thực hiện gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu và kéo giãn nợ ngân hàng theo Nghị định số 08 và Nghị quyết số 33.
Tuy nhiên, vấn đề thanh khoản doanh nghiệp bất động sản vẫn là vấn đề đáng lo ngại khi nhiều doanh nghiệp vẫn chậm trả lãi và gốc trái phiếu do những khó khăn ở các kênh tái cấp vốn cùng với việc doanh số ký bán giảm mạnh bởi tâm lý thị trường.
Lãi suất giảm giúp thị trường dần “rã đông”
Thị trường dần rã đông khi áp lực chi phí lãi vay của các doanh nghiệp phát triển bất động sản đã phần nào hạ nhiệt. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại đã tiếp tục giảm 20 điểm cơ bản trong tháng 7/2023, dao động từ 6,0%-7,0%/năm, có thể giảm áp lực lãi vay đối với các khoản vay theo lãi suất thả nổi đối với các doanh nghiệp phát triển bất động sản.
"Chúng tôi nhận thấy lãi suất cho vay trung bình thực tế đối với lĩnh vực bất động sản vẫn ở mức cao 13-14%. Khả năng thị trường bất động sản sẽ dần ấm trở lại khi lãi suất vay mua nhà giảm về mức 10-11%", ông Trần Trung Kiên, chuyên viên phân tích của VNDirect phân tích.
Khối phân tích cũng nhận thấy các doanh nghiệp phát triển bất động sản đang có xu hướng thu hẹp bảng cân đối kế toán thông qua việc giảm nợ dài hạn, chủ yếu bằng cách mua lại trái phiếu trước hạn hoặc trả nợ vay ngân hàng trong môi trường lãi suất cao. Tổng giá trị hàng tồn kho và người mua trả tiền trước lần lượt giảm 3,9% và 13,2%so với đầu năm. Giới phân tích cho rằng điều này là dễ hiểu trước tình trạng gián đoạn của hoạt động xây dựng và bán hàng do diễn biến ảm đạm của thị trường bất động sản.
Một nút thắt nữa của thị trường bất động sản được tháo gỡ là vấn đề pháp lý. Vừa qua đã có những động thái thích cực trong giải quyết các vấn đề về pháp lý … Cụ thể, TP.HCM đặt mục tiêu tháo gỡ pháp lý cho 50 dự án bất động sản trong năm 2023. Thành phố hiện đang có 156 dự án bất động sản được phát triển bởi 121 chủ đầu tư hiện đang chờ giải quyết vướng mắc (trong đó khoảng 70% có liên quan đến vấn đề pháp lý). Khi tháo gỡ được rào cản pháp lý của các dự án trên, TP.HCM dự kiến sẽ có khoảng 4.000-5.000 căn hộ được mở bán giúp giảm bớt áp lực nguồn cung như hiện tại.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, để thị trường hồi phục thì các chính sách cần quyết liệt hơn nữa. Luật Đất đai 2023 được thực hiện đúng tiến độ và sẽ có hiệu lực trong nửa cuối năm 2024, đánh dấu bước ngoặt lớn đối với lĩnh vực bất động sản khi giải quyết được các nút thắt trong việc phê duyệt các dự án ở các dự án khu dân cư mới, giúp nguồn cung nhà ở dần phục hồi trong giai đoạn 2024-2025...
VNDirect cũng đề cập đến yếu tố thứ ba góp phần hâm nóng thị trường bất động sản, đó là tái cân bằng cung cầu. Thị trường hiện nay đang diễn ra tình trạng mất cân đối cung cầu, đặc biệt thừa cung ở phân khúc cao cấp nhưng lại thiếu nguồn cung ở phân khúc bình dân, trung cấp. Khối phân tích nhận thấy các cơ quan quản lý đang nỗ lực cân bằng lại cung cầu, bên cạnh gói tín dụng ưu đãi cho các dự án nhà ở xã hội, chính phủ đã cam kết đến năm 2030 sẽ xây dựng hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân để đáp ứng nhu cầu của phân khúc nhà bình dân và nhà cho người có thu nhập thấp.
Theo VNDirect, nhà ở xã hội có thể trở thành phương án “cứu cánh” dòng tiền cho các nhà phát triển bất động sản với gói tín dụng lãi suất thấp. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng giống như “cơn mưa giữa trời nắng hạn”, có thể giải tỏa khó khăn cho người mua nhà. Nhiều doanh nghiệp phát triển bất động sản sẽ tận dụng việc tham gia phân khúc này để hỗ trợ cho dòng tiền doanh nghiệp.
Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp đầu ngành như Tập đoàn Hưng Thịnh,Vinhomes, Novaland, Becamex IDC, Hòa Bình… đã công bố xây dựng hàng trăm nghìn căn nhà ở xã hội, nhà ở bình dân cho công nhân và người thu nhập thấp.
Nêu khuyến nghị với nhà đầu tư, Khối phân tích của VNDirect cho rằng, ở giai đoạn trước, thị trường trong trạng thái dư cung và lạm phát ở mức rất cao, trong khi hiện tại nguồn cung dự án rất hạn chế và nguồn cầu vẫn chực chờ ở mức cao. Vì vậy, thị trường hiện tại sẽ hồi phục nhanh hơn. Nhà đầu tư nên tập trung vào những doanh nghiệp uy tín thể hiện được những thế mạnh như sau: Quỹ đất lớn, đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý, cơ sở hạ tầng và sẵn sàng ra chào bán trong giai đoạn 2023-2025; sản phẩm phát triển tập trung vào phân khúc bình dân và tầm trung; khả năng tăng trưởng lợi nhuận và năng lực mở rộng phạm vi hoạt động với sức khỏe tài chính lành mạnh (bao gồm đòn bẩy thấp, thanh khoản cao) để có năng lực vượt qua giaiđoạn khó khăn của thị trường.