'Ngấm đòn' Covid-19, thu ngân sách Trung ương hụt khoảng 29.000 tỷ đồng
(DNTO) - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, thu ngân sách Trung ương hụt khá lớn, khoảng 28.000-29.000 tỷ đồng. Đặc biệt, thu từ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp trung ương đạt 2,5% dự toán. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai nhiệm vụ của ngân sách Trung ương.
Tại báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, nhiều khoản thu quan trọng không đạt hoặc vượt thấp so với dự toán; nếu loại trừ các khoản tăng thu từ đất, tài nguyên thì số thu nội địa không đạt dự toán; cơ cấu thu chưa vững chắc.
“Thu ngân sách trung ương hụt khá lớn, khoảng 28-29.000 tỷ, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai nhiệm vụ của ngân sách trung ương. Đặc biệt, thu từ bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp trung ương đạt 2,5% dự toán”, ông Cường cho hay.
Về chi ngân sách nhà nước năm 2021 cho công tác phòng chống dịch Covid-19, tính từ thời điểm dịch bùng phát đến nay, tổng số kinh phí đã cấp là 30,85 nghìn tỷ đồng. Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc sử dụng nguồn ngân sách chi cho phòng chống dịch có một số điểm cần lưu ý. Trong đó, cần tập trung đánh giá toàn diện hiệu quả chính sách đã thực hiện, chỉ rõ các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; tác động thực tế, tính lan tỏa của các chính sách.
Về mua, tiếp nhận và nhu cầu vaccine, Chính phủ cần báo cáo cụ thể về số vaccine được hỗ trợ, viện trợ; dự kiến nhu cầu trong trường hợp dịch kéo dài; công khai việc sử dụng Quỹ vaccine; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, đi đôi với bảo đảm chất lượng, an toàn, đáp ứng kịp thời với các biến chủng Covid-19 mới xuất hiện.
Về chi mua sắm vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, Chính phủ cần làm rõ tổng nguồn lực đã bố trí chi mua sắm; kết quả việc sử dụng ngân sách nhà nước trong việc mua sắm vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng, chống dịch; khả năng đáp ứng tình hình hiện nay.
Bên cạnh đó, cơ cấu thu nội địa còn có các khoản thu chứa đựng nhiều rủi ro như: thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của NSNN.
Theo ông Cường, việc dự toán 3 khoản thu từ các khu vực sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, đối với nguồn thu từ doanh nghiệp Nhà nước chỉ tương đương với số thực hiện năm 2021 là mức dự kiến còn thấp.
Đặc biệt, ông Cường cho rằng, có một số dự toán thu cần xem xét lại. Cụ thể dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2022 chỉ bằng 96% so với thực hiện năm 2021 là chưa hợp lý. Thêm vào đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, trong dự toán thu NSNN năm 2022 cần tính đến số giảm thu do có thể tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí trong trường hợp dịch bệnh còn ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh...
Với tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19 tới phát triển thì mục tiêu phục hồi kinh tế, tạo nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu toàn diện, có phương án cân đối xây dựng gói kích thích kinh tế với quy mô đủ lớn để tạo hiệu ứng sâu rộng, tính lan tỏa cao, bảo đảm mục tiêu phục hồi nền kinh tế, an sinh xã hội.
Chính phủ nên nghiên cứu, sử dụng đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; lựa chọn đối tượng phù hợp để bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất; có chính sách thu phù hợp, tính đến việc miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí; cân nhắc giảm mức nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp… trong phương án xây dựng gói kích thích kinh tế này.
Cũng đề xuất về cải cách tiền lương trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, ông Nguyễn Phú Cường nêu rõ, căn cứ tình hình dịch bệnh hiện nay, việc thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2022 là khó khả thi...