Năm 2025: Tăng tốc và bứt phá, phấn đấu tăng trưởng cao hơn 8%
(DNTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025. Theo đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% hoặc cao hơn...
NGày 8/1, Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại trụ sở Chính phủ với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự hội nghị có Tổng Bí thư Tô Lâm; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú.
Nhấn mạnh, làm rõ và khái quát một số nội dung chủ yếu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình kinh tế xã hội năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi rất tích cực, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 12/15 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra.
Nêu một số kết quả nổi bật, Thủ tướng cho biết kết quả tăng trưởng GDP đã giúp nâng quy mô và xếp hạng GDP của Việt Nam, tăng thu nhập bình quân đầu người và tăng năng suất lao động.
Thứ hai, thu chi ngân sách đạt cao, vượt thu 337.000 tỷ đồng trong khi giảm thuế, phí, lệ phí gần 200.000 tỷ đồng. Đầu năm tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên cho các công trình trọng điểm; giữa năm tiết kiệm 5% (khoảng 6.000 tỷ đồng) để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân. Các cân đối lớn khác được bảo đảm và có thặng dư cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội còn những tồn tại, hạn chế mà các báo cáo và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư đã chỉ ra. Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), chúng ta phải rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả 5 năm để phát huy, làm tốt hơn với những chỉ tiêu đã đạt và vượt; nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt để phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025. Theo đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% hoặc cao hơn, Chính phủ sẽ rà soát, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng cho các bộ, ngành, địa phương.
Xây dựng các kịch bản để đạt mục tiêu tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); đồng thời tạo đột phá thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới, tiên tiến (như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chíp bán dẫn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, điện toán đám mây, quang điện tử, y sinh học, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, năng lượng sạch...).
Đặc biệt, xây dựng các chính sách tạo đột phá huy động các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân (phấn đấu khu vực này đóng góp khoảng 65-70% GDP).
Cùng với đó, triển khai hiệu quả tổng kết Nghị quyết số 18; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Thủ tướng cho biết đến giờ này, trung bình các cơ quan của Chính phủ giảm khoảng 30% đầu mối bên trong, có nơi giảm tới 50%, trên cơ sở đó cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây cũng là động lực mới, như "khoán 10" trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng chú trọng việc đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, "đột phá của đột phá", "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh" để giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và nâng cao năng suất lao động.
Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược; nghiên cứu khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. Phấn đấu hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển; cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài. Khởi công đường sắt kết nối với Trung Quốc, tiếp tục các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM; hoàn thiện việc xây dựng các dự án khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhà máy hạt nhân Ninh Thuận; xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và TP. Đà Nẵng... Chú trọng phát triển hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hoá, thể dục thể thao…
Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Triển khai hiệu quả Đề án đào tạo 50-100 nghìn kỹ sư bán dẫn; phát triển văn hóa là sức mạnh nội sinh; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí...
"Cùng với đó, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng kéo dài trong các lĩnh vực ở các địa phương, đặc biệt là các dự án bất động sản, các dự án liên quan đất đai, tài sản công, các dự án điện năng lượng tái tạo, các dự án tại Hà Nội, TP.HCM…", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Phải đổi mới mạnh mẽ, cách mạng, toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương ngày 8/1, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta đã hoàn thành thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trong hoàn cảnh đầy sóng to, gió lớn, thậm chí có thời điểm là “bão tố” ở cả bình diện quốc gia, khu vực và quốc tế”.
Tổng Bí thư nêu rõ, trong năm qua, bộ máy tổ chức cán bộ được tinh gọn theo hướng hiệu lực, hiệu quả, giảm sự chồng chéo và cải thiện năng lực quản lý. Đây là cơ sở để nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực, và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng Bí thư cho biết Chính phủ đã trình Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo đúng định hướng của Trung ương và tinh thần Nghị quyết số 18, theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền địa phương chủ động hơn trong việc giải quyết công việc, đồng thời nâng cao trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan hành chính. Bên cạnh đó, việc sắp xếp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý công việc, và cải thiện sự phục vụ của Nhà nước đối với người dân.
Lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế. Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, Tổng Bí thư cho rằng cần đẩy mạnh đột phá về thể chế, đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế “xin - cho” và tư duy bao cấp; ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài.
Đặc biệt, Tổng Bí thư yêu cầu tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, trọng điểm và quan trọng quốc gia, đặc biệt, các dự án về hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt cao tốc, cảng biển, sân bay, năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu; phấn đấu hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc, trên 1.000 km đường bộ ven biển và khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.