Dự báo gần 2,5 triệu tỷ vốn được bơm vào nền kinh tế, nhiều lĩnh vực sẽ được hưởng lợi
(DNTO) - Nếu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, tổng dư nợ tín dụng có thể tăng thêm của nền kinh tế trong năm 2025 sẽ đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng. Các lĩnh vực có khả năng hấp thụ vốn nhiều nhất là: bất động sản, năng lượng, bán lẻ, tiêu dùng và đầu tư công.
Dự báo tăng trưởng tín dụng quý I/2025 đạt 3,4%
Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngày 7/1, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, đến nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 15,08%, đã đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm. Tính đến cuối 2024, tổng dư nợ toàn hệ thống đạt 15,3 triệu tỷ, tăng hơn 2 triệu tỷ so với cuối năm 2023 (13,6 triệu tỷ).
Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu định hướng tín dụng tăng 16% trong năm 2025. Nói về con số này, Phó Thống đốc nhấn mạnh: 16% chỉ là con số mang tính định hướng trong điều hành chứ không phải là con số pháp lệnh. Tùy vào tình hình thực tế, NHNN có thể điều chỉnh cao hơn hoặc thấp hơn, mục tiêu cuối cùng là kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo giá trị tiền đồng.
Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cũng vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý I/2025. Theo kết quả điều tra, các TCTD dự báo dư nợ tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng 3,4% trong quý I/2025 và tăng 14,2% trong cả năm 2025.
Mức dự báo này thấp hơn 0,2% so với kỳ điều tra trước (14,4%) nhưng vẫn tăng đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng quý I/2024 chỉ đạt 1,34%. Đây là tín hiệu tích cực sau một giai đoạn khó khăn khi tín dụng của toàn hệ thống ghi nhận mức tăng trưởng âm 0,6% trong tháng đầu năm 2024.
Các TCTD kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống sẽ tăng 3,5% trong quý I/2025 và tăng 12,8% trong năm 2025. Huy động vốn kỳ hạn dưới 1 năm dự báo sẽ tăng trưởng tương đương với kỳ hạn trên 1 năm trong quý I/2025 và cả năm 2025. Báo cáo cũng cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng trong quý IV/2024 duy trì trạng thái "tốt" và tiếp tục cải thiện so với quý trước, mặc dù chưa đạt kỳ vọng.
Với triển vọng tín dụng tích cực, 85% TCTD kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025. Tuy nhiên, vẫn có 9,6% TCTD lo ngại lợi nhuận có thể giảm trong năm 2025 và 5,3% dự báo lợi nhuận sẽ không thay đổi.
Những động lực tăng trưởng
Đánh giá mục tiêu này, giới phân tích cho rằng, đây là mức tăng trưởng phù hợp, có khả năng sẽ đạt được. Cụ thể, MBS Research kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng năm 2025 sẽ đạt 15-16% dựa trên hai yếu tố chính. Thứ nhất, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2025, được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất và thương mại cải thiện khi nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên. Điều này sẽ tạo điều kiện để NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng vào năm nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025. Để đạt được mục tiêu này của Chính phủ, ngành ngân hàng phải nỗ lực giải ngân, bởi hiện nay tín dụng vẫn là kênh cung ứng vốn lớn nhất của nền kinh tế.
Thứ hai, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao sẽ tạo việc làm mới và hỗ trợ nhu cầu tín dụng, phù hợp với mục tiêu phục hồi kinh tế và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025.
Còn ACBS dự báo, kênh trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ khó phục hồi mạnh trong thời gian tới, nên tín dụng ngân hàng vẫn giữ vai trò quan trọng. Đồng thời, thị trường bất động sản sẽ phục hồi dần trong năm 2025, cùng việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công sẽ kích thích nhu cầu tín dụng gia tăng, hỗ trợ cho lợi suất cho vay của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2025.
Nêu quan điểm, TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường đại học ngân hàng TP.HCM chỉ rõ, mối quan hệ tương hỗ giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế. Theo đó, khi tín dụng tăng trưởng, các doanh nghiệp, cá nhân và chủ thể trong nền kinh tế nói chung sẽ có thêm nguồn vốn để đầu tư và mở rộng lợi suất kinh doanh và tiêu dùng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP. Ngược lại, tăng trưởng GDP sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
“Nền kinh tế tăng trưởng cao hơn thì nhu cầu vốn của tất cả chủ thể trong nền kinh tế sẽ tăng lên, qua đó thúc đẩy nhu cầu vốn từ hệ thống ngân hàng”, ông Linh nói.
Nếu như mảng tín dụng bán buôn là một trong những động lực tăng trưởng chính của năm 2024, thì năm 2025, kỳ vọng phân khúc bán lẻ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại và đóng góp lớn hơn vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng, khi niềm tin tiêu dùng cũng sẽ thay đổi tích cực hơn trước triển vọng của nền kinh tế và sự phục hồi của thị trường lao động. Được biết, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt mức 4.900 USD/người trong năm 2025.
Như vậy, năm 2025 nếu hoàn thành mục tiêu đặt ra ở mức 16%, dư nợ tín dụng của nền kinh tế sẽ đạt mức hơn 18,1 triệu tỷ đồng vào cuối năm, tức tổng dư nợ có thể tăng thêm trong năm 2025 gần 2,5 triệu tỷ đồng. Với mục tiêu tăng trưởng cao như vậy, theo các chuyên gia, các lĩnh vực có khả năng hấp thụ vốn nhiều nhất là: bất động sản, năng lượng, bán lẻ, tiêu dùng và đầu tư công.
"Cầu về tín dụng và huy động vốn sẽ tiếp tục tăng từ một số ngành chủ chốt của Việt Nam như bất động sản khu công nghiệp do ăn theo tăng trưởng FDI, bất động sản dân cư nhờ sự cải thiện về tiến trình tháo gỡ pháp lý dự án và đặc biệt là ngành năng lượng tái tạo nhờ việc quyết liệt khôi phục tiến trình triển khai Quy hoạch điện VIII nhằm đối phó với rủi ro thiếu điện vào năm 2026", ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings dự báo.