Mỹ và Việt Nam công bố hàng loạt thương vụ hợp tác công nghệ bán dẫn và AI
(DNTO) - Tổng thống Mỹ, Joe Biden, ăn mừng mối quan hệ ngoại giao mới với Việt Nam bằng một loạt thỏa thuận hợp tác củng cố chuỗi cung ứng.
Ngày 11/9/2023, cùng với việc nâng tầm quan hệ ngoại giao lên thành Đối tác chiến lược toàn diện, Mỹ và Việt nam đã ký kết một loạt thương vụ hợp tác có giá trị hàng tỷ đô la. Trong đó bao gồm các công ty Boeing, Microsoft và Nvidia.
Tổng thống Mỹ, Joe Biden, trong chuyến thăm chính thức đến nước ta, đã tán thưởng nỗ lực hợp tác của hai nước trong các ngành điện toán đám mây, bán dẫn và trí thông minh nhân tạo.
“Chúng tôi đang tăng cường hợp tác về các công nghệ chủ chốt và non trẻ, đặc biệt là xung quanh việc xây dựng chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn linh hoạt hơn,” ông Biden cho biết trong cuộc họp báo vào cuối ngày Chủ nhật với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
“Chúng tôi đang mở rộng mối quan hệ hợp tác kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai quốc gia”.
Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dẫn đầu Hội nghị thượng đỉnh Đổi mới và đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ, cùng sự tham gia của các lãnh đạo điều hành cấp cao từ Google, Intel, Amkor, Marvell, GlobalFoundries và Boeing.
Bàn đàm phán cũng được nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia, trong đó có VinFast, hãng sản xuất xe điện vào tháng trước đã vượt mặt Ford và General Motors trên sàn chứng khoán Nasdaq.
Các thỏa thuận được tung ra vào thứ Hai tuần này sẽ mở màn một làn sóng đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Mỹ, sau khi lãnh đạo hai nước đồng ý nâng cấp mối quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện.
Đợt nâng cấp mối quan hệ này đẩy chính quyền Washington lên hai bậc, trở thành bậc quan hệ cao nhất với chính quyền nước ta. Các nước trước đó đạt cấp quan hệ tương tự là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Trong cái nhìn của chính quyền Mỹ, các quốc gia đang phát triển tại châu Á đóng vai trò quan trọng để cân bằng quyền lực với Trung Quốc trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Việt Nam được xem là một trong các nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á trong năm ngoái. Trong khi đó, Mỹ đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, bao gồm Apple, Google và Dell đã mở rộng “dấu ấn” của họ tại Việt Nam trong những năm gần đây, khi tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, né tránh ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong số các thỏa thuận được công bố trong thứ Hai vừa qua, 11/9, bao gồm thương vụ trị giá 7,8 tỷ đô la của Hãng hàng không Vietnam Airlines, mua 50 máy bay phản lực 737 Max từ Boeing, kèm theo đó là nhiều dự án công nghệ trí thông minh nhân tạo với Nvidia và Microsoft, và đặc biệt là dự án xây dựng trung tâm thiết kế bán dẫn của hãng Synopsys và Marvell tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hơn thế nữa, các thỏa thuận còn bao gồm một hợp tác Mỹ-Việt trong ngành sản xuất chip vi xử lý để “hỗ trợ một chuỗi cung ứng bán dẫn bền vững cho ngành công nghiệp, người dùng và công nhân Mỹ”.
Trong thời gian vừa qua, chính quyền Washington đã tỏ ra lo ngại với sức phát triển trong công nghệ bán dẫn của Trung Quốc, và đang tìm kiếm đồng minh để kiểm soát sản xuất bán dẫn cũng như các thiết bị sản xuất bán dẫn.
Một thương vụ trị giá 1,6 tỷ đô la được công bố trước đó sẽ xây dựng nhà máy Amkor gần Hà Nội, để lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip vi xử lý, dự án này sẽ bắt đầu vào tháng Mười sắp tới.
Một thương vụ lớn tiếp nữa là với hãng Việt Nam, AMI AC Renewables và hãng công nghiệp Mỹ, Honeywell, kết hợp tung ra dự án thí điểm xây dựng hệ thống lưu trữ pin năng lượng đầu tiên của nước ta tại tỉnh Khánh Hòa.
Hãng có gốc New York, Nobu Hospitality, vốn nổi tiếng với các nhà hàng ẩm thực Nhật Bản, cũng sẽ bắt đầu mở chi nhánh tại Việt Nam, kết hợp với Công ty Viet Capital Real Estate.