Muốn bán hàng phải đi học kinh doanh online
(DNTO) - Cuối năm là lúc các trang thương mại điện tử (TMĐT) càng tăng tốc khuyến mãi cho người tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng đẩy mạnh kinh doanh thông qua nền tảng trên internet.
Đẩy nhanh xu hướng online
Kinh doanh online đang trở nên quen thuộc với nhiều doanh nghiệp lẫn hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Nhiều doanh nghiệp trước đây chưa hề triển khai bán hàng online nay cũng đẩy thêm hình thức này để không lỡ dịp mua sắm cuối năm và đà thay đổi nhanh hơn của thị trưởng từ cú sốc Covid-19.
Facebook, Zalo hay các sàn thương mại điện tử như: Amazon, Lazada, Shopee… được nhiều doanh nghiệp chọn mặt gửi hàng với hàng loạt các chương trình được tung ra vào “thời điểm vàng” khuyến mãi, giảm giá cuối năm, bốt thăm trúng thưởng…
Lazada là một trong những sàn thương mại điện tử tiên phong nâng tầm trải nghiệm mua sắm khách hàng. Nền tảng này đang ứng dụng thuật toán thông minh để đề xuất mặt hàng với mức giá phù hợp đúng nhu cầu mua sắm người tiêu dùng; cho phép các thương hiệu và nhà bán hàng livestream giới thiệu sản phẩm, truy cập dữ liệu ở thời gian thực để nhanh chóng đưa ra quyết định giúp tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh trên nền tảng số…
Nhờ đó, lượng tìm kiếm và đề xuất sản phẩm trên sàn này đã tăng hơn 100%, tỷ lệ chuyển đổi người mua tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu tổng hợp của phóng viên, trong quý 3/2020 (từ 1/7 đến 30/9), nền tảng này đã thực hiện gần 20.000 tập livestream, so với cùng kỳ năm trước, số lượng nhà bán hàng và thương hiệu tham gia tăng hơn 6,5 lần, số đơn hàng thành công cũng tăng trên 50 lần.
Theo đó, những mặt hàng đang được quan tâm, mua bán thuộc các ngành thực phẩm, thời trang, trang thiết bị trong gia đình và hiện tại đang ổn định nhất là thuộc về giao thức ăn nhanh, giải khát.
Đặc biệt hơn, ngành dược cũng cập nhật xu hướng này, khi mở thêm kênh online đồng thời tổ chức những buổi hội thảo chuyên ngành, giới thiệu thuốc cập nhật kiến thức về sức khỏe cho người dân nhất là trong giai đoạn dịch bệnh.
Muốn bán hàng phải đi học online
Trước nhu cầu người người bán hàng online, hàng loạt những lớp học kinh doanh online cũng tăng lên với mức độ chuyện môn, kỹ năng khác nhau cho từng đối tượng. Nhiều doanh nghiệp còn đăng ký hoặc tổ chức cho các nhân viên tham gia các khóa học kinh doanh, makerting online để phục vụ cho hướng đi mới.
Theo chị Đinh Thụy Tuyết Văn, hiện đang kinh doanh thời trang, sau khi tham gia khóa học chị có thể nắm được nhu cầu thị trường, biết được tầng lớp khách hàng phù hợp với sản phẩm, nắm bắt được thời cơ cũng như biết nắm bắt những dịp lễ, ngày đặc biệt để tung ra những chương trình khuyến mãi, giảm giá và ưu đãi khách hàng, phân chia được thời gian đăng bài bán sản phẩm online.
Còn đối với chị Nguyễn Thị Thảo, kinh doanh về sản phẩm thực phẩm chức năng, sau khi học xong khóa kinh doanh online, chị có thể tự tin livestream bán hàng, tìm kiếm khách hàng và hiểu thêm về nguồn gốc sản phẩm mình đang bán, biết phân luồng thời gian, giảm được nhiều chi phí bỏ ra so với trước đây. Bên cạnh đó, chị hiện đang mở thêm được chi nhánh cho mình.
So với các doanh nhân nhỏ lẻ, các doanh nghiệp lớn bán hàng online có ưu thế hơn nhờ đã có hệ thống nhận diện thương hiệu, shop online lẫn offline bài bản. Doanh nghiệp còn chú trọng lên kế hoạch, tính toán ngân sách quảng cáo, tiếp thị phù hợp trong mỗi giai đoạn.
Điển hình như công ty IRATO - đơn vị chuyên cung cấp máy móc chế biến thực phẩm, cho biết IRATO đã đẩy mạnh đa dạng sản phẩm, phát triển hệ thống online và tiếp thị đa kênh, đẩy mạnh bán hàng trên Website, Youtube, Facebook, Instagram, Shopee...
“Ở mỗi kênh, chúng tôi đều có chiến lược phát triển phù hợp. Trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, IRATO nhanh chóng đẩy mạnh kênh online và số lượng sản phẩm máy móc bán ra có xu hướng tăng đáng kể, chi phí cũng không lớn”, đại diện đơn vị cho biết.
Tương tự, đại diện cửa hàng thời trang P.Parisian cho biết: “Hiện tại và cho đến kết thúc quý 4/2020, công ty của tôi vẫn định hướng là sẽ đẩy mạnh hướng kinh doanh sang các kênh online như Facebook, Instagram và Google và tiếp tục cách bán hàng này trong các năm sau nữa”.
Để chuẩn bị cho việc bán hàng online thuận lợi, đơn vị này còn triển khai hợp tác với các KOLs (nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng) và các đối tác chuyên cung cấp các giải pháp và triển khai các kế hoạch truyền thông quảng cáo.
“Chúng tôi đã cho nhân viên hoàn thành khóa huấn luyện quản lý các kênh bán hàng online để có thể phối hợp với đơn vị đối tác tốt hơn”, đại diện Parislan chia sẻ.
Là một nhà sáng lập chuỗi khách sạn Chez Mimosa Hotel Group, chị Trần Thị Thanh Tâm, cho biết, nhờ kinh nghiệm làm việc ở những khách sạn lớn trong cả nước, việc kinh doanh online đã được chị áp dụng vào chính chuỗi khách sạn này từ lâu. Song song đó, chị Tâm cũng là chủ nhà hàng Mimo Bistro.
“Khi Covid-19 bùng phát, dù đã có kinh nghiệm kinh doanh online nhưng doanh nghiệp vẫn không thể chủ quan dựa vào kinh nghiệm cũ mà phải liên tục cập nhật, lựa chọn phương thức kinh doanh, đối tác kinh doanh trong lĩnh vực giao hàng, những ứng dụng chạy quảng cáo hiệu quả và thay đổi liên tục”, chị Tâm chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch - Trưởng đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), kinh doanh online ghi nhận vào thời điểm quý 3 và đầu quý 4 tăng trường mạnh trên các sàn TMĐT. Bên cạnh đó, kinh doanh online đang là xu thế và định hướng tương lai cho các doanh nghiêp.
Cũng nói thêm, hiện tại Sở Công thương TP.HCM đã có những gói chính sách hỗ trợ mua hàng giảm giá, tăng khuyến mãi có thể lên 50% , không bị hạn chế với luật cạnh tranh nhằm kích cầu tiêu dùng cuối năm.
Năm 2019 doanh số thương mại điện tử bán lẻ đến người tiêu dùng ở Việt Nam đạt khoảng 10,08 tỉ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc top 3 trong khu vực Đông Nam Á. Ước tính có khoảng 44,8 triệu người Việt đã tham gia thương mại điện tử, giá trị đơn hàng mua sắm trực tuyến trung bình 225 USD/người, tăng đáng kể so với 160 USD của năm 2015. Tuy vậy, do tình hình kinh tế cả nước vừa đối mặt với dịch và thiên tai thì 2020 sẽ giảm mạnh.
(Nguồn: Cục Thương mại điện tử và kinh tế số)