Mức lương nhân viên và tăng trưởng hạnh phúc
(DNTO) - Hạnh phúc vốn khó định hình, nói về hạnh phúc trong công việc lại càng khó hơn. Nhưng nếu ta tìm ra cách, hạnh phúc của mỗi nhân viên có thể trở thành chỉ số tăng trưởng góp phần quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đương nhiên, lương chưa phải là yếu tố quyết định hạnh phúc.
Hạnh phúc của người lao động quan trọng thế nào?
Talentnet từng có chương trình tham vấn nội bộ cho phép nhân viên tự do lựa chọn một trong những lãnh đạo của tổ chức làm người khai vấn, hỗ trợ họ tháo gỡ những khúc mắc, hoang mang trong định hướng công việc lẫn cuộc sống cá nhân. Và tại một trong những buổi như vậy, có 1 “mentee” (người được hướng dẫn) đã bộc bạch những điều khiến tôi nhớ mãi. Bạn “mentee” này là người vừa có những đóng góp giá trị cho Talentnet, vừa rất cầu tiến, luôn thể hiện mong muốn được học hỏi và phát triển nhiều hơn.
Cuối buổi tham vấn, tôi cảm ơn bạn vì những điều bạn đang làm cho tổ chức. Nhưng bạn đáp lời rằng mình phải là người cảm ơn, vì: “Lương thưởng và quyền lợi trao cho em trách nhiệm hoàn thành công việc, nhưng hạnh phúc mà em có từ việc đi làm đã thúc đẩy em cống hiến nhiều hơn mỗi ngày”.
Điều này nhắc nhở tôi về lý do khởi sự xây dựng công ty nhân sự: để thúc đẩy khả năng vận hành doanh nghiệp bằng cách tăng cường mối liên kết giữa con người; để thành công của tổ chức không chỉ xoay quanh doanh thu mà còn bao gồm cả hạnh phúc của người lao động.
Trong thời điểm suy thoái hiện tại, lãnh đạo muốn tập trung vào doanh thu và đảm bảo vận hành ổn định. Hạnh phúc của người lao động có thể tụt hạng trong danh sách ưu tiên. Tuy nhiên, theo tôi, lãnh đạo cần kiên trì, nỗ lực để hạnh phúc luôn song hành với nhân viên, bởi đây là yếu tố thúc đẩy hiệu quả công việc. Một nghiên cứu về khoa học quản trị được đăng tải trên Forbes đã cho thấy, mỗi điểm hạnh phúc gia tăng trong thang điểm từ 0-10 sẽ giúp năng suất tăng 12%. Dưới góc độ một chủ doanh nghiệp, đây là con số đáng để tâm.
Không phải lúc nào các chính sách nhân sự cũng tạo nên kết quả là hạnh phúc. Nhưng tôi lại nghĩ về câu bạn nhân viên nói, “hạnh phúc đến từ việc đi làm” - nghĩa là, người lãnh đạo nên tạo ra một hành trình đi làm hạnh phúc.
Tăng trưởng hạnh phúc nhờ hành trình đi làm hạnh phúc
Theo tôi, để đảm bảo hạnh phúc toàn diện, cần 3 yếu tố: Đúng-Đủ-Đầy. Lấy ví dụ một thợ làm bánh. Muốn yên tâm làm việc, anh ấy cần một mức lương đủ thoải mái để trang trải sinh hoạt phí (tiêu chí Đúng). Anh ấy cũng cần được tiếp cận cơ hội nâng cao tay nghề, phát triển thêm những kỹ năng khác hướng đến mục tiêu cao hơn - trở thành một thợ làm bánh giỏi hay mở một tiệm bánh mang tên mình (Đủ). Cuối cùng, người thợ làm bánh cần tìm thấy ý nghĩa thông qua việc tạo ra được lợi nhuận, giúp đỡ cho người khác (Đầy).
Ba yếu tố Đúng-Đủ-Đầy phù hợp với 6 cấu phần của Total Well-being (hạnh phúc toàn diện, bao gồm: sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tài chính, sức khoẻ tinh thần, cơ hội phát triển, khả năng chịu đựng, phục hồi và sức khoẻ xã hội) từ AIHR (Academy to Innovate HR).
Đúng: Giúp thợ làm bánh ổn định “sức khỏe tài chính” và “sức khỏe thể chất” qua mức lương tương xứng, môi trường làm việc an toàn.
Đủ: Khi thợ làm bánh đã có tay nghề cứng cáp, chủ lò bánh hướng dẫn họ quản lý cửa hàng, triển khai kinh doanh - những “cơ hội phát triển”. Chủ lò bánh cần hỗ trợ nhân viên trui rèn “khả năng chịu đựng và phục hồi”, củng cố “sức khỏe tinh thần”.
Đầy: Thợ làm bánh hiểu niềm vui từ công việc không chỉ là lấp đầy bụng đói người thưởng thức. Lợi nhuận từ công việc giúp họ chăm sóc người thân và đóng góp cho xã hội, gia tăng “sức khỏe xã hội”.
Doanh nghiệp cần lưu ý rằng mỗi nhân viên là một bản thể, nhu cầu của họ cho từng yếu tố trên cũng sẽ tồn tại sự khác biệt. Theo báo cáo “Xu hướng lương thưởng & phúc lợi khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” do Mercer-Talentnet thực hiện, nhân viên ở mỗi thế hệ ưu tiên giá trị khác nhau trong công việc. Đầu sự nghiệp, họ mong muốn chính sách lương hấp dẫn, cân bằng cuộc sống - công việc, cơ hội phát triển. Nhưng theo thời gian, họ chú trọng cuộc sống ý nghĩa, như sự tương đồng giữa giá trị tổ chức và cá nhân, tác động và ý nghĩa của công việc. Vì vậy, “cá nhân hóa” là chìa khóa để mở cánh cửa hạnh phúc toàn tổ chức.
Trong bối cảnh AI, máy móc đe dọa việc làm, doanh nghiệp cần đưa kỹ năng công nghệ vào chương trình Tái đào tạo (Reskilling) và Phát triển kỹ năng (Upskilling). Điều này không chỉ tạo cơ hội phát triển cho nhân viên, mà còn tăng sức khỏe tinh thần, khả năng phục hồi và chống chịu, vì nó trao cho nhân viên sự an tâm rằng họ vẫn có thể thích ứng với các yêu cầu của thị trường tương lai.
Hạnh phúc toàn diện cho nhân viên không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà phải là mối quan hệ cộng hưởng. Người lao động cần xác định mong muốn, thế mạnh, kỹ năng cần trang bị, và giá trị muốn cống hiến cho xã hội.
Tôi chúc các lãnh đạo bước vào năm mới với tâm thế vững vàng, quyết tâm và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Lãnh đạo hạnh phúc sẽ tạo ra nhân viên hạnh phúc, doanh nghiệp tăng trưởng hạnh phúc và một cộng đồng, đất nước hạnh phúc.
TOP 3 câu hỏi thuộc “Thẻ bài hạnh phúc”
1. Đúng: Mình có cảm thấy hạnh phúc với hầu hết các quyết định trong quản trị của bản thân?
2. Đủ: Các quyết định khiến mang lại cảm giác hạnh phúc là gì?
3. Đầy: Làm sao để công tác quản trị giúp mang lại cảm giác hạnh phúc mới mẻ hơn, tuyệt vời hơn?