Hạnh phúc có thể mua được bằng tiền?

(DNTO) - Rocker Feller, nhà tài phiệt dầu mỏ nổi tiếng của Mỹ nói: “Cái gì mua không được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền”. Nhưng “Tiền có thể mua được rất nhiều hạnh phúc” cũng là kết luận của một công trình nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS). Vậy đâu là giá trị đích thực của đồng tiền?
“Chuyến bay giải cứu” là một vụ đại án đặc biệt nghiêm trọng với quy mô chưa từng có từ trước đến nay được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Trong tổng số 54 bị cáo đã có 21 người bị cáo buộc tội nhận hối lộ với gần 165 tỷ đồng. Trong đó, người nhận nhiều nhất là hơn 42 tỷ và ít nhất cũng lên đến hàng chục nghìn USD.
Liên quan đến tham nhũng, một số vụ án khác cũng làm dư luận quan tâm không kém vừa qua là vụ việc xảy ra tại một số trung tâm đăng kiểm, vụ Công ty Việt Á bị cáo buộc đã thông thầu để "thổi giá" kit test Covid-19…
Ai cũng biết trong tất cả các vụ án tham nhũng, đặc biệt với tội nhận hối lộ, đồng tiền chính là động cơ, là mục tiêu phạm tội.

Quang cảnh phòng xử án "Chuyến bay giải cứu". Ảnh: Internet
Đã từng có một thời gian dài, kim chỉ nam cho quan điểm về đồng tiền của người Việt là “Tiền tài như phấn thổ/Nhân nghĩa tợ thiên kim”, tức là tiền bạc như bụi đất, nhân nghĩa tựa ngàn vàng. Trong giáo dục con cái, người Việt trước đây cũng không dạy trẻ tiếp xúc với đồng tiền quá sớm vì cho rằng như vậy sẽ làm cho trẻ nảy sinh lòng tham và sinh hư.
Từ khi nền kinh tế thị trường tác động mạnh mẽ đến đời sống, quan điểm và cách nhìn nhận của con người về đồng tiền có khác. Đồng tiền đã tạo được một chỗ đứng thực tế hơn, công bằng hơn, không còn bị xem là “phấn thổ”. Tuy nhiên, cũng từ đó nó được dịp tỏ rõ sức mạnh vô biên của mình trong vai trò cám dỗ và tha hóa con người.
Quan niệm “nhân nghĩa tợ thiên kim” bắt đầu bị lung lay, giàu nghèo phân tầng khiến lòng tham con người trỗi dậy. Trong gia đình anh em nồi da xáo thịt, thậm chí nhiều trường hợp còn lâm cảnh “vô phúc đáo tụng đình”; Chốn học đường thì thường xuyên xảy ra chuyện chạy trường mua điểm; Ngoài xã hội nạn gian lận, lừa đảo, chạy đua làm giàu bất chấp thủ đoạn… đang từng ngày, từng giờ đe dọa chúng ta. Và đồng tiền đang đánh gục 54 con người đang đứng trước bục khai báo trong phiên tòa có thể gọi là “lịch sử” đang diễn ra.
Tuy nhiên, ở một mặt khác, chúng ta cũng không thể phủ nhận giá trị đích thực của đồng tiền trong cuộc sống. Con người sống, kiếm tiền, nâng niu, cất giữ nó cho đến khi nào từ giã cõi đời mới thôi. Tiền hiện diện và đi bên cạnh đời sống con người không thể tách rời. Cơm ăn, áo mặc, nhà ở, học phí, thuốc men cùng hàng tỷ chi phí khác…tất cả đều phải trao đổi bằng tiền.
Ngoài xã hội, mỗi ngày, ở khắp nơi, các tổ chức từ thiện vẫn luôn kêu gọi cộng đồng đóng góp tiền của nhằm mang đến một bữa cơm, một manh áo, một tấm chăn cho người dân trong cơn bão lũ, một lọ hóa chất để kéo dài sự sống cho một bệnh nhân ung thư, một đơn vị máu cho người bị tai nạn, một học bỗng cho học sinh nghèo viết tiếp ước mơ đại học hay một nơi ở cho cụ già neo đơn… tất cả cũng bằng tiền.
Với người nhận được sự giúp đỡ đó là hạnh phúc, với người cho đi cũng là hạnh phúc. Vậy há chẳng phải hạnh phúc “mua” được bằng tiền sao? “Tiền có thể mua được rất nhiều hạnh phúc” cũng là kết luận của một công trình nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS).
Rõ ràng chúng ta không thể phủ nhận giá trị đích thực của đồng tiền. Tuy nhiên cần thêm cho nó một khái niệm mới là: “sạch”. Đồng tiền sạch là đồng tiền kiếm được từ sự lao động chân chính, từ trí tuệ uyên thâm, từ sức khỏe cường tráng… Ngược lại là đồng tiền “dơ”, là tiền kiếm được từ sự chiếm dụng sức lao động, ăn cắp thành quả trí tuệ của người khác, từ việc làm bất chính, phi pháp…

Tiền “sạch” sẽ “mua” được hạnh phúc nếu chúng ta biết phân biệt giữa “hạnh phúc đích thực” với cái “tưởng là hạnh phúc”. Ảnh: Internet
Có người cho rằng mạng sống và thời gian là hai thứ mà cho dù có đồng tiền sạch cũng không thể mua được. Phải hiểu, mạng sống nằm trong quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”. Còn thời gian là sự vận động không ngừng của thế giới vật chất, thời gian chỉ có một chiều duy nhất (tạm gọi là quy luật). Mạng sống (khác với sức khỏe) và thời gian, với người có tiền và người không tiền đều bình đẳng như nhau.
Tóm lại, tiền “sạch” sẽ “mua” được hạnh phúc nếu chúng ta biết phân biệt giữa “hạnh phúc đích thực” với cái “tưởng là hạnh phúc”. Và đồng tiền sẽ mang đến tai họa, là nguyên nhân tha hóa con người, là nguồn gốc của tội lỗi khi chúng ta không học cách làm chủ, quản lý và điều khiển đồng tiền; biến nó thành đồng tiền “dơ” quay ngược lại làm chủ, sai bảo, khiến con người bị lệ thuộc vào sức mạnh của nó.