Một nhà máy điện hạt nhân cần hơn 1.000 nhân lực chất lượng cao
(DNTO) - Các dự án điện hạt nhân đang đối diện với tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng để quản lí, vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân.
Rất thiếu các nhà khoa học, kỹ thuật “đầu đàn”
Sau 8 năm tạm dừng, ngày 25/11 vừa qua, Bộ Chính trị và Quốc hội chính thức tái khởi động chương trình điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, 2, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
Ngày 2/1, Tại Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình điện hạt nhân”, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các chuyên gia “hiến kế” phát triển nhân lực điện hạt nhân. Bởi muốn dự án điện hạt nhân thành công cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong vận hành, khai thác.
“Trước đây, mới tính đến 1-2 nhà máy chúng ta đã cần vài ngàn kỹ sư và cán bộ kỹ thuật, nếu phát triển nhiều nhà máy hơn kể cả cho nhu cầu xuất khẩu nhân lực sang các nước trong khu vực thì vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực kỹ thuật là vô cùng quan trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.
Nhưng nhân lực điện hạt nhân ở nước ta đang thiếu hụt trầm trọng, cả về số lượng và chất lượng. Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ điểm danh 9 cơ quan có đội ngũ nhân lực điện hạt nhân đang làm việc, nhưng vẫn khẳng định con số này rất hạn chế, nhất là rất thiếu các nhà khoa học, kỹ thuật “đầu đàn”.
Trong khi đó, theo khuyến cáo của Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và các tập đoàn, cơ quan về điện hạt nhân khác, nhân lực cần cho một nhà máy điện hạt nhân công suất 2.000 MW (2 lò phản ứng) khoảng 1.000 người có trình độ từ trung cấp đến đại học.
Trong điều kiện Việt Nam, để đảm bảo tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành, duy tu, bảo dưỡng nhà máy an toàn, thì cần khoảng 1.200 người có trình độ đại học (giai đoạn chuẩn bị đầu tư cần khoảng 100 người; giai đoạn đấu thầu dự án cần khoảng 140 người; giai đoạn xây dựng nhà máy, vận hành thử cần khoảng 960 người).
Như vậy, trong trường hợp tái triển khai cả 2 dự án nhà máy điện hạt nhân (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, công suất 2x2.000 MW), nhu cần nhân lực tương ứng sẽ là 2.400 người có trình độ đại học.
Ngoài ra, kinh nghiệm của một số nước phát triển về điện hạt nhân cho thấy còn cần thêm khoảng 350 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành liên quan,... phục vụ nghiên cứu, quản lí, vận hành, khai thác, đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân; 250 nhân lực cho quản lý nhà nước, nghiên cứu viên và giảng viên.
Những điểm yếu trong đào tạo
Để đảm bảo nguồn lực cho phát triển dự án điện hạt nhân, việc cấp thiết hiện nay phải tăng cường đào tạo. Muốn vậy, phải nhanh chóng giải quyết điểm nghẽn tồn tại trong công tác đào tạo từ xưa tới nay.
Theo PGS.TS. Đàm Sao Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, sau gần 40 năm phát triển, mặc dù Việt Nam đã có lớp chuyên gia ngành hạt nhân nhưng mô hình đào tạo hiện tại của ta đang đối mặt với nhiều vấn đề cốt lõi.
Ví dụ trong đào tạo đại học đang gặp nhiều thách thức do hạn chế về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Theo thống kê, đầu tư cho phòng thí nghiệm mới chỉ đạt 30% nhu cầu, trong chỉ có khoảng 30% trong tổng số 40-50 giảng viên mỗi trường có kinh nghiệm thực tế tại nhà máy.
Song song với hệ thống đại học, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Trung tâm Đào tạo Hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn. Các đơn vị này tổ chức nhiều khóa đào tạo với quy mô 200-300 học viên mỗi năm, tận dụng được cơ sở vật chất chuyên sâu như lò phản ứng Đà Lạt. Tuy nhiên, các khóa đào tạo này vẫn còn hạn chế về thời lượng và mức độ chuyên sâu, phần lớn mang tính chất tham quan, kiến tập.
Ngoài ra, chương trình hợp tác với Nga đang đào tạo 40 sinh viên mỗi năm, trong khi các dự án với IAEA triển khai 5-7 khóa đào tạo ngắn hạn hàng năm, tập trung vào các chuyên đề kỹ thuật chuyên sâu. Tuy nhiên, việc tận dụng kiến thức và kinh nghiệm từ các chương trình này vào thực tiễn Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.
“Chương trình đào tạo, còn thiếu tính liên thông giữa các bậc học và chưa có chương trình đặc thù cho từng nhóm đối tượng. Phương pháp đào tạo vẫn nặng về lý thuyết, thiếu môi trường thực hành và chưa tận dụng hiệu quả công nghệ mô phỏng hiện đại. Đặc biệt, mối liên kết giữa cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng lao động còn lỏng lẻo, dẫn đến khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế”, bà Mai nêu thực tế.
Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng để phát triển bền vững ngành công nghiệp hạt nhân, cần xây dựng đồng bộ ba nhóm nhân lực chính. Nhóm thứ nhất là đội ngũ vận hành nhà máy, bao gồm cán bộ quản lý, vận hành và kỹ thuật viên bảo dưỡng, với thời gian đào tạo tối thiểu 10 năm cho cán bộ vận hành.
Nhóm thứ hai là lực lượng nghiên cứu và phát triển (R&D), đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ kỹ thuật và đảm bảo vận hành an toàn. Nhóm thứ ba là đội ngũ quản lý nhà nước và cơ quan pháp quy hạt nhân, đòi hỏi kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm thực tế để xây dựng và giám sát các quy định an toàn.
“Điều này đòi hỏi cần có chiến lược đào tạo bài bản, đầu tư có trọng điểm và chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành", PGS.TS. Đàm Sao Mai nhấn mạnh.