Mỗi người một hành động nhỏ vì một Việt Nam xanh
(DNTO) - Trong 2 ngày 9 và 10/11/2024 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM diễn ra Ngày hội Việt Nam Xanh 2024 với chủ đề “Tiết giảm, tái sử dụng, tái chế” nhằm mục đích kêu gọi mọi tầng lớp người dân chung tay góp cho một Việt Nam Xanh. Trong đó doanh nghiệp đi tiên phong, truyền thông làm cầu nối và mỗi người dân một hành động nhỏ.
Doanh nghiệp đi tiên phong
Chưa bao giờ từ “xanh” được gắn với nhiều khái niệm có liên quan đến nền kinh tế của một quốc gia như hiện nay: Kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, đầu tư xanh, khởi nghiệp xanh, tiêu dùng xanh…
Trong đó, Kinh tế xanh (Green Economy) là một lựa chọn tất yếu có tính thời đại và mang tầm vóc toàn cầu nhằm ứng phó với các mối nguy cơ đe dọa sự tồn vong của loài người như thách thức về ô nhiễm môi trường, khủng hoảng sinh thái, biến đổi khí hậu, quá trình công nghiệp hóa - đô thị hóa, phát thải CO2 tăng lên…
Để hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững, vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đổi mới với nhiều chương trình ứng dụng thực tế, mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh như áp dụng kinh tế tuần hoàn: Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; Hành động giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất; Quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); Các chương trình khí sinh học trong ngành chăn nuôi; gắn với sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường…
Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò vừa là đối tượng vừa là chủ thể trực tiếp tham gia chuyển đổi thách thức thành cơ hội. Có thể xác định trong hành trình Việt Nam xanh doanh nghiệp là một lực lượng nòng cốt, tiên phong.
Truyền thông làm cầu nối
Trong bất kỳ lĩnh vực chính trị, đời sống, xã hội… truyền thông chính là công cụ lan truyền thông tin, là tiếng nói truyền cảm hứng, xây dựng nên một nhận thức cộng đồng và thúc đẩy hành động, bất kể đó là một chiến dịch truyền thông quy mô hay một bài báo nhỏ lẻ.
Trong quá trình thực hiện đi đến một Việt Nam xanh, truyền thông có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục định hướng giúp thay đổi nhận thức của xã hội từ nền “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh”. Cung cấp kiến thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; Thay đổi quan niệm, hình thành thói quen tiêu dùng xanh trong cộng đồng; Góp phần lan tỏa thông điệp hành động xanh của các doanh nghiệp, cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Truyền thông còn là cầu nối tạo nên sự đồng thuận cao từ cấp lãnh đạo đến người dân và doanh nghiệp.
Mỗi người một hành động nhỏ
Tại Việt Nam, trải qua đại dịch Covid -19, người dân có phần quan tâm đến sức khỏe và có ý thức bảo vệ môi trường hơn. Người tiêu dùng cũng bắt đầu chuyển sang xu hướng tiêu dùng xanh, dần thay đổi thói quen xài đồ nhựa sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Cùng với xu hướng sống tối giản của một bộ phận trẻ Việt Nam được xem là một tín hiệu vui.
Tuy nhiên, đây chỉ mới là bước đầu trong việc thay đổi hành vi mua sắm, sử dụng, thải bỏ sản phẩm trong người dân. Mỗi người cần nhiều hơn nữa các hành động thiết thực mỗi ngày.
Đặc biệt là cách chúng ta “đối xử” với rác. Thói quen vứt bỏ rác thải bừa bãi ra sông, rạch, ao, hồ, đường đi, ngõ hẽm hay bất kỳ một chỗ nào “sẵn tiện” là thói quen lâu đời của người dân. Nếu chúng ta không thay đổi tập quán này thì dự kiến Việt Nam sẽ thải ra 54 triệu tấn rác thải sinh hoạt vào năm 2030 (Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới). Không chỉ làm ô nhiễm không gian sống, sự thất thoát của rác thải ra môi trường còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến muôn mặt đời sống con người.
Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn (từ hộ gia đình) ra rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế là một chủ trương lớn của nhà nước góp phần làm giảm chi phí vận chuyển, xử lý khối lượng rác thải sinh hoạt, tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất.
Lộ trình thực hiện Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ "quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường" từ ngày 25/8/2022 đến 31/12/2024 sắp bước vào giai đoạn cuối. Mong rằng qua hai năm “thử nghiệm” người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải, biến nó trở thành thói quen hằng ngày, xem rác như một tài nguyên, có lợi cho chính mình và cộng đồng.
Lưu ý thêm, sau ngày 31/12/2024, hộ gia đình nào không thực hiện phân loại rác theo quy định sẽ bị xử phạt và chịu chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
Chỉ cần mỗi người một hành động nhỏ như hạn chế dùng bao ny lông, vứt rác đúng nơi quy định, phân loại rác tại nguồn… là chúng ta đã góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ môi trường, bảo vệ không gian sống xanh của chúng ta.