Vì sao việc thực hiện phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả?
(DNTO) - Hơn 10 năm trước, Dự án phân loại rác thải tại nguồn đã được triển khai thí điểm nhưng không hiệu quả. Năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường ra đời ban hành những quy định thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn. Thế nhưng cho đến nay, dường như việc này vẫn còn khá nan giải mặc dù quy định về xử phạt vi phạm hành chính chính thức áp dụng bắt đầu từ ngày 31/12/2024.
Tại sao phải phân loại rác tại nguồn?
Rác thải sinh hoạt hằng ngày không phải rác nào cũng là “đồ bỏ”. Có loại rác vẫn còn khả năng tái chế, tái sử dụng mà chúng ta thường để dành bán ve chai (đồng nát) bao gồm: Giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thiết bị điện, điện tử thải bỏ… gọi là rác tái chế.
Nhóm hai là chất thải dễ phân hủy trong điều kiện tự như: các loại thức ăn thừa, hư hỏng là các loại rác có thể đem đi chế tạo thành phân bón hoặc chế thành các loại sản phẩm mới… gọi là rác hữu cơ.
Nhóm ba là chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh, chất thải rắn sinh hoạt khác còn lại, là những loại rác không thể sử dụng và cũng không thể tái chế được, chỉ có thể xử lý bằng cách mang ra các khu chôn lấp hoặc đốt… gọi là rác vô cơ.
Xưa nay, thói quen của người dân là đổ dồn tất cả cái gì không xài được gọi là rác vào chung nhau trước khi vứt bỏ, còn việc phân loại hay xử lý như thế nào “giao” do đơn vị quản lý rác thải thực hiện.
Do không được phân loại, nên việc “cõng” số lượng rác thải lớn ngày càng lớn khiến các bãi rác trở nên quá tải. Theo đó, lượng rác buộc phải đốt hoặc chôn lấp vừa gây lãng phí vừa làm ô nhiễm môi trường.
Ngược lại, việc phân loại rác thải tại nguồn, cụ thể là tại hộ gia đình, là việc làm hết sức cần thiết. Nó làm giảm tải trọng chất thải rắn đổ về các bãi rác; Tiết kiệm nhiều khoản chi phí khác như thu gom, vận chuyển và xử lý. Phân loại rác tại nhà còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng. Các rác thải tái chế và tái sử dụng còn mang lại cho chúng ta nguồn lợi kinh tế đáng kể.
Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn chưa có hiệu quả
Nhiều người khi được hỏi tỏ ra bất ngờ vì không biết có chủ trương này. Nhiều người không hiểu rõ thế nào là rác hữu cơ, vô cơ, tái chế… Nhiều người cho biết việc dồn tất cả rác vào chung nhau tiện hơn, đỡ tốn thời gian hơn, nhất là không choáng chỗ với đại đa số nhà ở có diện tích nhỏ hẹp, đặc biệt là phòng trọ.
Khi phân loại rác thải tại nguồn, người dân cần chuẩn bị các loại bao bì đặc hữu, nhưng các sản phẩm bao bì này chưa được các đơn vị quy định cụ thể, chi tiết.
Về phía cơ quan chức năng, bất cập hiện nay là các phương tiện thu gom chưa được chuẩn hóa, chủ yếu xe lôi, thô sơ nên xảy ra trường hợp người dân phân loại xong, người thu gom lại bỏ chung một xe, dẫn đến người dân phản ứng và không ủng hộ.
Cần các giải pháp đồng bộ:
Đặt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, song song với việc cung cấp kiến thức liên quan, hướng dẫn luật rõ ràng, cụ thể cho người dân lên hàng đầu. Quá trình thực hiện cần tập huấn cho nhân viên phụ trách biết cách thức triển khai, hướng dẫn giám sát người dân phân loại rác tại nguồn.
Kế hoạch đã ban hành cần có biện pháp thực thi hiệu quả. Trước khi áp dụng mức xử phạt theo quy định, đội ngũ thu gom rác cần kiên quyết từ chối tiếp nhận rác không được phân loại. Không thể chưa rác trong nhà, người dân sẽ tự giác chấp hành. Từ đó hình thành thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Việc không phân loại rác thải là thói quen, khó thay đổi ngay trong một sớm một chiều nhưng cũng không phải là vấn đề không thể giải quyết, nhất là khi đã có quy định, có lộ trình, có sự chuẩn bị, quyết tâm thực hiện của các cấp, ngành và sự chung tay của xã hội.