Con người cần đối đãi tử tế với thiên nhiên
(DNTO) - Mỗi năm, thế giới ghi nhận hàng nghìn người thiệt mạng do sạt lở đất. Những vụ sạt lở đất nghiêm trọng liên tiếp xảy ra vừa qua ở nước ta, không chỉ gây thiệt hại của cải vật chất mà còn cướp đi sinh mạng con người, là hồi chuông cảnh báo khẩn cấp về tai họa của môi trường đối với đời sống và sức khỏe con người.
Vào khoảng 4 giờ sáng ngày 13/7, một ô tô khách chạy tuyến Hà Giang - Bảo Lâm đang di chuyển đến đoạn km 11, xã Yên Định, huyện Bắc Mê thì gặp sạt lở. Hàng nghìn mét khối đất đá đã vùi lấp cả đoạn đường khoảng trên 100m trên tuyến Quốc lộ 34, vùi lấp toàn bộ hành khách đi trên xe ôtô. Sau nhiều giờ khẩn trương tìm kiếm, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của các lực lượng đã xác định được danh tính 15 người thương vong.
Sự việc gợi nhớ lại những vụ sạt lở đất từng gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản ở nước ta vài năm vừa qua. Điển hình là thảm họa tại khu nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) vào rạng sáng 11/10/2020 vùi lấp 17 công nhân thủy điện.
Đau xót hơn, tới rạng sáng 13/10, khi đoàn cứu hộ đang dừng nghỉ tại trạm kiểm lâm 67 (cách thủy điện Rào Trăng khoảng 10km) thì bất ngờ gặp lũ ống, đất đá sạt lở khiến 13 người trong đoàn cứu hộ bị vùi lấp và hy sinh.
Nỗi đau từ “thảm họa kép” ở Rào Trăng chưa kịp lắng xuống, thì tiếp theo đến hung tin 22 chiến sĩ của Đoàn 337 hy sinh do thảm nạn sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).
Mới đây, vào chiều 30/7, tại Trạm Cảnh sát giao thông Mađagui, nằm giữa đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng làm 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông Lâm Đồng và 1 chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân tử nạn.
Sạt lở đất và nguyên nhân
Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) và Cơ quan Khảo sát địa chất Anh (BGS) định nghĩa, sạt lở đất là sự dịch chuyển khối lượng lớn vật chất như đất, đá hoặc mảnh vụn, xuống một độ dốc.
Về nguyên nhân tự nhiên, theo PGS. TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế và Môi trường Việt Nam, hiện tượng sạt lở đất bắt nguồn từ những tác động của ngoại lực vào khối đất đá trên mái dốc, đỉnh đồi làm đất đá vỡ ra và lăn xuống với vận tốc lớn. Ngoại lực này thường đến từ những cơn mưa lớn, tuyết tan, động đất hay vỡ đập thủy điện. Ngoài ra, yếu tố về thời tiết bất thường, nắng nhiều khiến lực dính của đất sét khô và giảm đi. Sau khi nắng, gặp mưa nhiều ngày thì dẫn đến sạt trượt, sạt lở đất.
Còn nói về tác động của con người thì GS - TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, việc phá rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ là nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở đất.
Tình trạng chặt phá rừng làm đất ở, xây nhà cửa, công trình; Phá rừng canh tác cây ăn quả, cây lấy gỗ sẽ mất đi thảm thực vật, từ đó mất đi chức năng giữ nước, khi bị mưa xuống sẽ gây sạt lở; Phá núi làm đường, đào xới gây mất ổn định hoặc làm suy yếu độ dốc của đất khiến đất dễ bị trượt đi.
"Tôi cho rằng, khu vực nào bị sạt lở, lũ quét nhiều thì điều đầu tiên cần rà soát xem rừng có bị mất không? Rừng càng bị thu hẹp thì hậu quả càng khôn lường. Vậy nên, đừng đổ lỗi cho thiên nhiên mà hãy xem con người tác động vào rừng thế nào", GS - TS Vũ Trọng Hồng phân tích.
Ngoài ra cũng phải kể đến thói quen san một phần đất của quả đồi thuộc sở hữu để lấy mặt phẳng làm nhà của người dân khu vực miền núi; tập quán làm nhà gần sông, suối… dẫn đến khi có mưa lớn kéo dài, nguy cơ đất đồi sạt xuống rất dễ gây lở đất, cuốn trôi nhà cửa.
Hãy yêu quý và trân trọng thiên nhiên
Một số dấu hiệu giúp sớm nhận biết nguy cơ xảy ra sạt lở đất gồm: mưa lớn, mưa nhiều, mưa liên tục; Có vết nứt mới trên tường hoặc trần nhà; Cửa hoặc cửa sổ bị kẹt khó mở ra. Sườn đồi, mái dốc, cây nghiêng, màu nước sông, suối từ trong chuyển thành đục; Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới; Mặt đất phồng lên, cây cối rung chuyển, có âm thanh lạ trong lòng đất.
Nếu thấy nghi ngờ hãy sẵn sàng di dời nhanh chóng. Đồng thời thông báo cho hàng xóm, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật di dời; Báo tin cho nhà chức trách địa phương, cơ quan phòng chống thiên tai...
Các chuyên gia cho rằng, về phía nhà chức trách, để phòng tránh sạt lở đất hiệu quả, cần phải tăng cường hệ thống cảnh báo sớm để người dân biết, chủ động ứng phó. Cần thiết phải có khảo sát và công khai các khu vực, vị trí có nguy cơ cao xảy ra lũ lụt, sạt lở đất đá của từng địa phương. Đồng thời dành nguồn kinh phí xứng đáng hỗ trợ trang bị cho các địa phương phương tiện cảnh báo hiện đại.
Tăng cường các biện pháp quản lý, sử dụng đất đai tại khu vực miền núi, nghiêm cấm việc tự ý san gạt đất đồi núi để làm nhà ở và các công trình khác. Quan trọng hơn chính là nâng cao nhận thức của cộng đồng và mỗi người dân, nhất là đồng bào miền núi, vùng cao về phòng chống sạt lở đất, đá…
Những vụ sạt lở đất nghiêm trọng liên tiếp xảy ra vừa qua, không chỉ gây thiệt hạị của cải vật chất mà còn cướp đi sinh mạng con người… là hồi chuông cảnh báo khẩn cấp về tai họa của môi trường đối với đời sống và sức khỏe con người.
Thiên nhiên đã cho chúng ta quá nhiều, chúng ta phải biết trân trọng thiên nhiên. Đừng tham lam, mù quáng lạm dụng sự hào phóng của thiên nhiên, thiên nhiên sẽ quay lưng với chúng ta.