Lý do CEO của Telegram bị bắt giữ tại Pháp

(DNTO) - Tỷ phú người Nga, người sáng lập và chủ sở hữu của ứng dụng tin nhắn Telegram - Pavel Durov, đã bị cảnh sát bắt tại sân bay ngoài Paris, sau khi hạ cánh trên chiếc chuyên cơ cá nhân vào ngày 24/8.

Tỷ phú người Nga, người sáng lập và chủ sở hữu của ứng dụng tin nhắn Telegram, Pavel Durov.
Vụ bắt giữ tỷ phú công nghệ 39 tuổi đã khiến Nga vào ngày 25/8 phải đưa ra cảnh cáo rằng, Pháp nên tôn trọng quyền của ông, đồng thời chỉ trích ông chủ của nền tảng X, Elon Musk vì cho rằng quyền tự do ngôn luận ở châu Âu đang bị tấn công.
Đài BFM và TF1 của Pháp cho biết, Durov đã bị bắt giữ như một phần của cuộc điều tra sơ bộ của cảnh sát với lý do thiếu người kiểm duyệt, do đó đã tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động trên Telegram và thiếu sự hợp tác với cảnh sát.
Telegram và các nhà quản lý cấp cao của Telegram đã nhiều lần không trả lời các yêu cầu bình luận. Bộ Nội vụ Pháp, cảnh sát và văn phòng công tố Paris cũng không có bình luận.
Telegram hiện đang có hơn 1 tỷ người dùng, có ảnh hưởng đặc biệt tại Nga, Ukraine và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Nền tảng này được xếp hạng là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và WeChat.
Durov, người được Forbes ước tính có khối tài sản trị giá 15,5 tỷ USD, vào tháng 4 cho biết một số chính phủ đã tìm cách gây sức ép với ông nhưng ứng dụng Telegram vẫn nên là một "nền tảng trung lập" chứ không phải là "một nhân tố tham gia địa chính trị".
Durov đã nảy ra ý tưởng về một ứng dụng tin nhắn được mã hóa như một cách để giao tiếp trong khi anh đang chịu áp lực ở Nga. Nikolai, em trai của ông là người đã thiết kế mã hóa.
"Tôi thà tự do còn hơn phải nghe lệnh của bất kỳ ai", Durov vào tháng 4 cho biết về việc ông rời khỏi Nga và tìm kiếm một nơi đặt trụ sở cho công ty của mình, bao gồm cả thời gian làm việc tại Berlin, London, Singapore và San Francisco.
Sau khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine vào năm 2022, Telegram đã trở thành nguồn cơn chính cho việc cung cấp nội dung chưa qua kiểm duyệt (và đôi khi có chứa nội dung gây hiểu lầm và gây sốc) từ cả hai phía về cuộc chiến và tình hình chính trị xung quanh cuộc xung đột.
Nền tảng này đã trở thành thứ mà một số nhà phân tích gọi là 'chiến trường ảo' cho cuộc chiến, được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và các quan chức của ông, cũng như chính phủ Nga sử dụng rộng rãi.
Bộ ngoại giao Nga cho biết họ đã gửi công hàm tới Pháp yêu cầu được tiếp cận Durov, mặc dù họ nói rằng ông có quốc tịch Pháp.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết, Durov đã sai lầm khi chạy trốn khỏi Nga và nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ phải hợp tác với các cơ quan an ninh ở nước ngoài. Medvedev cũng thường xuyên sử dụng Telegram để chỉ trích và xúc phạm phương Tây.
Nga bắt đầu chặn Telegram vào năm 2018, sau khi ứng dụng này từ chối tuân thủ lệnh của tòa án, yêu cầu cấp cho các cơ quan an ninh nhà nước quyền truy cập vào tin nhắn của người dùng đã được mã hóa
Hành động này đã làm gián đoạn nhiều dịch vụ của bên thứ ba, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến tính khả dụng của Telegram tại thời điểm đó. Tuy nhiên, lệnh cấm đã gây ra các cuộc biểu tình lớn ở Moscow và chỉ trích từ các tổ chức phi chính phủ.