Lo ngại CPI tăng trước giờ tăng lương, Bộ Tài chính đưa ra 3 kịch bản đối phó
(DNTO) - Lo lương chưa tăng nhưng giá cả một số mặt hàng thiết yếu rục rịch tăng đón đầu, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đã đưa ra 3 giải pháp nhằm "ghìm cương" lạm phát, bình ổn hàng hóa, dịch vụ thiết yếu từ nay đến cuối năm.
Việc tăng lương cơ sở sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2023, nhưng ngay từ đầu tháng 5/2023, giá điện sinh hoạt đã được điều chỉnh tăng 3% và theo đề xuất của Sở Tài chính Hà Nội, từ tháng 7 năm nay, giá nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố cũng tăng. Điện và nước là hai mặt hàng thiết yếu của người dân và có nhu cầu sử dụng cao, đặc biệt vào mùa nắng nóng. Việc tăng giá 2 mặt hàng này trước và cùng thời điểm tăng lương cơ sở khiến người dân lo ngại sẽ tạo nên “cơn sốt” giá cả hàng hóa trên thị trường, khiến lương tăng không đủ bù đắp chi phí cho các sinh hoạt thiết yếu.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2023, chiều 16/6, đại diện Cục Quản lý giá cho biết đã lường trước nhiều kịch bản về những biện pháp bình ổn giá cả trên thị trường, kiềm chế lạm phát, giảm khó khăn cho người dân từ nay đến cuối năm trước thực tế một số hàng hóa, dịch vụ tăng giá “tát nước theo mưa" khi sắp áp dụng tăng lương cơ sở.
“Tháng 7 tới sẽ tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, chúng tôi đã tính toán rất kỹ để cuối năm 2023 lạm phát không vượt quá 4,5% chỉ tiêu do Quốc hội giao”, ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Quản lý thẩm định giá, Cục Quản lý giá nhận định.
“Chúng tôi đã xây dựng 3 kịch bản cho những tình huống có thể xảy ra trong quá trình điều hành giá như tăng lương và một số tình huống khác trong thời gian sắp tới”, ông Bình cho hay.
Theo đó, kịch bản thứ nhất là bám sát thị trường giá cả để đảm bảo kiểm soát mục tiêu đã đưa ra, đặc biệt chú ý đến các mặt hàng chiến lược như xăng, dầu…, vì có thể từ giá cả của mặt hàng này sẽ tác động sang giá các mặt hàng khác. Liên tục nắm bắt tình hình, cân đối cung cầu của các mặt hàng này trong quá trình điều hành giá...
Thứ hai, đối với một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp tình hình thực tế.
Thứ ba, theo dõi chặt chẽ việc kê khai, thông báo giá, đồng thời kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc quản lý giá để tránh tình trạng xảy ra hiện tượng găm hàng, đầu cơ tăng giá.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, nhấn mạnh thêm: “Để làm tốt công tác quản lý giá khi chúng ta tiến hành tăng lương cơ sở từ 1/7 là truyền thông giải quyết vấn đề tâm lý. Cần đẩy mạnh công tác truyền thông khi thời điểm 1/7 cận kề để mọi người dân, mọi người tiêu dùng cũng như cả xã hội thấy rằng việc tăng lương cơ sở là hết sức bình thường và đã nằm trong kế hoạch".