Linh hoạt để kìm chế giá xăng dầu tăng cao
(DNTO) - Nhiều ý kiến cho rằng, để kìm chế đà tăng của giá xăng dầu nên tiếp tục giảm một số thuế và bù thu ngân sách bằng xuất khẩu dầu thô, nhưng hệ lụy của chênh lệch giá xăng dầu cũng là điều cần tính đến.
Cho ý kiến tại phiên thảo luận quan tâm về vấn đề giá xăng, dầu, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa), cho rằng hiện nay Chính phủ đang điều hành giá xăng dầu trong nước theo giá thế giới trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, dự báo giá sẽ tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao, làm tăng giá thành các loại sản phẩm, làm ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân.
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này.
Để bảo đảm linh hoạt trong kìm chế giá xăng dầu tăng cao, kìm chế lạm phát, đại biểu đề nghị ngay tại Kỳ họp này, Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với giá xăng dầu trong năm 2022.
Việc giảm thuế có thể ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, với giá dầu thô tăng, mà Việt Nam xuất khẩu dầu thô, nên có thể bù đắp thu ngân sách nhà nước từ nguồn này.
Về việc việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đại biểu bày tỏ cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thống nhất kéo dài thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14.
Cùng với đó, đại biểu đề nghị nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong công tác thẩm định giá trị tài sản bảo đảm, công tác quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng trong quá trình cho vay.
Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc việc thẩm định tài sản để hạn chế tình trạng tiêu cực trong thẩm định tài sản cho vay, hạn chế sự gia tăng các khoản nợ xấu.
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) khẳng định, từ đầu năm đến nay được sự thống nhất và cộng đồng, cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân và dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sự vào cuộc của các ngành, các cấp nên dịch bệnh kiểm soát đẩy lùi, nền kinh tế đang hồi phục hồi, phát triển, kinh tế vĩ mô ổn định, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp tăng trở lại.
Thời gian tới để đạt được mục tiêu đã đề ra, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm tới vấn đề thu ngân sách vượt dự toán nhưng dự báo là thiếu bền vững, thời gian qua thu nhiều dầu thô nên tăng thu lại. Mặt trái của tăng thu từ dầu thô là giá xăng dầu trong nước không ngừng tăng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống và sản xuất kinh doanh, làm xáo trộn không nhỏ đến sinh hoạt của người lao động.
Đại biểu cho rằng việc bình ổn giá xăng dầu trong nước ở mức cho phép là điều cần cho việc phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống sinh hoạt của người dân.