Kỳ vọng doanh nghiệp bật lên từ trong thách thức
(DNTO) - Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, hy vọng trong khó khăn, các doanh nghiệp có thể bật lên để chống chọi với những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu, bao gồm Việt Nam phải đối mặt.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng", chiều 17/11, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp bày tỏ, trong hai năm vừa qua, tình hình Covid-19 xảy ra, nền kinh tế Việt Nam đã chống chọi một cách hết sức có hiệu quả. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tồn tại, củng cố, phát triển trong khi rất nhiều nền kinh tế lớn mạnh khác còn gặp nhiều khó khăn.
Theo các số liệu được biết, bắt đầu quý 4/2022 và năm 2023, nền kinh tế của đất nước sẽ có những ảnh hưởng do tác động từ các nước khác trên thế giới. Đặc biệt, khi xảy ra cuộc chiến tranh giữa Nga - Ukrainn tác động rất lớn đến nền kinh tế.
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cuộc họp để đưa ra đối sách cho tương lai của nền kinh tế cuối năm 2022 và năm 2023 nhưng chủ yếu chúng ta vẫn phải tập trung vào hai chính sách quan trọng đó là chính sách tiền tệ và tài khóa.
Ông Long cũng dự báo, sắp tới đây sẽ có nhiều vấn đề khó khăn xảy ra, trong đó có những vấn đề về tín dụng, thuế và thị trường bất động sản. Có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi các giao dịch bất động sản bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến tín dụng.
Cùng với đó, những sự cố trên thị trường chứng khoán xảy ra liên tục, chưa bao giờ thị trường biến động xuống thấp như hiện nay, nhưng lại có lúc trồi lên rất cao, thể hiện sự chưa ổn định và yêu cầu cần sớm ổn định thị trường.
Ngoài ra về sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp dệt may chia sẻ vẫn chưa ký được đơn hàng mới cho năm 2023, hay một số ngành nghề khác cũng thiếu vắng đơn hàng.
“Nguyên nhân để xảy ra những vấn đề này bao gồm cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài, ảnh hưởng từ các thị trường lớn như Anh, Mỹ, Pháp, Đức cũng gặp khó khăn. Đây là vấn đề về kinh tế toàn cầu nên Việt Nam không thể nằm ngoài. Tuy nhiên, “cùng thì biến, biến thì hanh thông”, trong cái khó có những người biến được có những người không. Nghĩa là trong khó khăn sẽ bật ra những doanh nghiệp mới, còn những doanh nghiệp không đủ sức chống chọi, không bật lên được sẽ vô cùng nguy hiểm”, ông Long ví von.
Cũng tại diễn đàn, đưa ra giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng cần có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.
“Dù khu vực doanh nghiệp đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế”, Phó Chủ tịch VCCI nhận định.
Bởi, thống kê cho thấy bình quân một tháng có 18.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường.
“Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước”, ông Phòng bày tỏ.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, mới đây nhất, trong văn bản góp ý Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.
“Mục tiêu của VCCI mong muốn là doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, năm 2030 có đóng góp 20% của GDP. Hiện tại, con số đóng góp mới khoảng 9% GDP. Có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Đặc biệt, sự phát triển của doanh nghiệp cũng cần phát triển theo hướng phát triển bền vững: Đến năm 2025, có ít nhất 20% số doanh nghiệp sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn.
Hơn thế, VCCI cũng đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực năng lực tự chủ tự cường, tự lập, nâng cao tính kết nối của doanh nghiệp tư nhân trong tham gia chuỗi sản xuất: Tỷ lệ nội địa hoá các ngành tăng thêm 10% tới năm 2025.