Khung pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện
(DNTO) - Hiện cơ chế chính sách về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) liên tục được hoàn thiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn, đồng thời tăng cường sự minh bạch và giảm thiểu rủi ro thị trường.
Quy mô thị trường TPDN năm 2020 gần 16% GDP
Trao đổi về sự phát triển của thị trường TPDN thời gian qua, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Bộ Tài chính cho biết, thị trường TPDN trong những năm gần đây đã và đang trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các doanh nghiệp, cho thấy có sự dịch chuyển vốn từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường vốn cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn của mọi loại hình doanh nghiệp.
Sự phát triển của thị trường TPDN trong giai đoạn vừa qua theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển cân bằng hơn giữa thị trường vốn với thị trường tín dụng ngân hàng, giảm áp lực huy động vốn cho kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, ông Dương cũng cho rằng sự phát triển nhanh của thị trường TPDN thời gian qua cũng đặt ra một số rủi ro.
Cụ thể, về phía các doanh nghiệp, việc đẩy mạnh huy động vốn trái phiếu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, phát triển dự án, nếu hoạt động gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu, gây bất ổn cho thị trường.
Đối với các nhà đầu tư trái phiếu, nếu không phân tích, đánh giá rủi ro, đầu tư trái phiếu chỉ vì lãi suất cao sẽ có rủi ro mất vốn khi doanh nghiệp không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Về phía các tổ chức phân phối, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro sẽ không thực hiện được nghĩa vụ, cam kết với nhà đầu tư theo các điều kiện, điều khoản của trái phiếu, do không đáp ứng được các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
“Do đó, chúng tôi luôn khuyến nghị các thành viên, đối tượng tham gia thị trường cả về phía nhà phát hành, nhà đầu tư hết sức thận trọng trong đánh giá các rủi ro của việc sử dụng vốn cũng như đầu tư vào sản phẩm tài chính là trái phiếu doanh nghiệp” - ông Dương cho biết.
Cũng theo ông Dương, thời gian qua, khi thị trường TPDN có bước tăng trưởng mạnh, Bộ Tài chính đã chủ động nhận định những rủi ro, đánh giá thị trường và liên tục có những bước hoàn thiện khung khổ pháp luật về TPDN. Hiện cơ chế chính sách về phát hành TPDN ngày càng được hoàn thiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn, đồng thời tăng cường sự minh bạch và giảm thiểu rủi ro thị trường.
Tối đa 5 doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm
Thông tin về hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, trong đó quy định đầy đủ các nội dung về tổ chức hoạt động, cung cấp dịch vụ, công bố thông tin của tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
Hiện Luật Chứng khoán năm 2019 và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán đã có quy định cụ thể về các trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng phải được xếp hạng tín nhiệm, có lộ trình thực hiện, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ sử dụng dịch vụ này.
Theo đó, doanh nghiệp phát hành hoặc trái phiếu đăng ký chào bán phải được xếp hạng tín nhiệm bởi tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong các trường hợp: Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu; Tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu.
Mặt khác, Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu gắn các quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm với các quy định về phân loại, tiêu chí đầu tư đối với một số tổ chức tài chính đặc thù hoặc sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm khi tính các chỉ tiêu an toàn vốn, tài sản của các tổ chức trên thị trường tài chính.
Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ xem xét, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho tối đa 5 doanh nghiệp. Cho đến nay, đã có 2 doanh nghiệp của Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và đang triển khai cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trên thị trường.
“Hiện nay, Bộ Tài chính đã nhận được bày tỏ quan tâm của một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín. Sau khi nhận được hồ sơ, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, thẩm định theo quy định của pháp luật. Theo đó, trên cơ sở khung khổ pháp lý mới được ban hành, hoạt động cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm sẽ phát triển trong thời gian tới, là động lực góp phần phát triển thị trường vốn, thị trường tài chính theo hướng ngày càng công khai, minh bạch" - ông Dương cho hay.