Không có giới hạn cho sức tăng trưởng của các hãng công nghệ khổng lồ - Bài 2: Lựa chọn chiến lược

(DNTO) - Có ba lựa chọn chiến lược để các hãng công nghệ lớn nhất thế giới tiếp tục giữ mức tăng trưởng đáng sợ của họ.

Các công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ có ba lựa chọn chiến lược cho tương lai. Ảnh: The Financial Times
Ba chiến lược
Chiến lược đầu tiên là theo đuổi lợi nhuận và tối ưu hóa. Cắt giảm chi phí, thu hẹp tầm cỡ các dự án và gỡ bỏ các đơn vị không quan trọng là các giải pháp kinh doanh thường được sử dụng để doanh nghiệp bù đắp lợi nhuận.
Cả năm hãng công nghệ khổng lồ đều đang tranh giành “miếng bánh” của nhau. Thị phần của các công ty trong các phân mảng trùng lặp đã tăng gấp đôi kể từ 2015, lên đến 40%.
Các công ty công nghệ không phải là ngoại lệ cho chiến thuật “ăn kiêng” này. Trừ Apple, 5 hãng công nghệ khổng lồ đều đã trải qua nhiều đợt cắt giảm nhân sự, loại bỏ hơn 70.000 nhân viên. Hãng sản xuất iPhone đã phải đẩy lùi lịch trình tung ra một số sản phẩm. Alphabet đã bãi bỏ nhiều dự án xa vời vốn đang “đốt tiền” và Amazon rời xa nhiều dự án cửa hàng địa phương.
Con đường thứ hai là tập trung hoàn toàn vào cốt lõi của doanh nghiệp - một lựa chọn mà Microsoft theo đuổi. Hãng này đang sốt sắng tân trang công cụ tìm kiếm Bing của họ bằng công nghệ A.I., đặt dịch vụ này thành một đối thủ nặng ký cho Google. Hơn thế nữa, họ đưa công nghệ từ ChatGPT vào các sản phẩm phần mềm chủ đạo. Tháng trước, người dùng dịch vụ văn phòng trực tuyến Office 365 đã có thể sử dụng các công cụ trí thông minh nhân tạo khởi tạo với phí 30 đô la phụ trội. Google và Meta cũng trong giai đoạn đưa công nghệ trí thông minh nhân tạo vào dịch vụ quảng cáo.
Chiến lược nhiều tham vọng nhất mà các hãng công nghệ có thể đi theo là tìm kiếm các thị trường mới.
Cả năm hãng công nghệ khổng lồ đều đang tranh giành “miếng bánh” của nhau. Thị phần của các công ty trong các phân mảng trùng lặp đã tăng gấp đôi kể từ 2015, lên đến 40%. Alphabet đang kèn cựa với Amazon và Microsoft trong công nghệ điện toán đám mây. Trong khi Amazon và Microsoft cũng tìm cách nhúng tay vào mảng quảng cáo. Vào tháng 6, Apple tung ra một headset thực tế ảo, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm tương tự từ Meta, vốn đang thống trị thị trường này.
Các hãng công nghệ khổng lồ cũng đang nhăm nhe vào các ngành chưa được khai thác và đủ lớn để đem lại lợi nhuận đáng kể. Trong đó có công nghệ tài chính fintech, chăm sóc sức khỏe và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công cộng.
Hoặc, đi theo cách của Microsoft, tung tiền để bành trướng. Thương vụ 69 tỷ đô la mà hãng này bỏ ra cho hãng game giải trí Activision sẽ mang lại doanh thu hàng năm khoảng 8 tỷ đô la.
Thử thách tương lai
Chiến lược nào cũng có hiểm họa của nó. Cắt giảm chi phí chỉ có thể tăng lợi nhuận trong một hoặc hai năm, và sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng tương lai. Các thị trường chủ đạo, dù là smartphone, quảng cáo số hay phần mềm máy tính,... đều đã chạm mức bão hòa và không thể tiếp tục tăng trưởng 20% hay cao hơn. Đối đầu với nhau trên các thị trường mới mang đến dòng doanh thu mới nhưng cũng sẽ nén chặt lợi nhuận.
Ngoài ra, các thị trường mới có lý do khiến chúng chưa được khai phá: Chúng đều được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan tổ chức, từ “gọng kềm” của các ngân hàng Phố Wall khóa chặt thị trường tài chính cho đến các nhà thầu thân thiết với chính quyền trong mảng dịch vụ, sản phẩm công cộng.
Và dù họ có hầu bao sâu đến mức nào, các công ty công nghệ cũng không thể liên tiếp tung vài chục tỷ đô la để tăng lợi nhuận chỉ vài tỷ đô la hàng năm.
Có thể đến một ngày nào đó, công nghệ máy tính sẽ “ngoạm” cả thế giới. Bằng công nghệ trí thông minh nhân tạo, các hãng công nghệ khổng lồ có khả năng soán ngôi những công ty đứng đầu nhiều ngành nghề khác nhau.
Từ nay cho đến tương lai, cách thức mỗi công ty phối hợp chiến lược của họ sẽ phản ánh tính chất mà họ tin vào. Ưu tiên cắt giảm chi phí cho thấy sự trưởng thành, nhưng cũng bộc lộ tính thiếu tự tin. Khao khát mở rộng cho thấy sự tự tin, nhưng cũng là sự kiêu ngạo. Các cổ đông và giám đốc điều hành nên chuẩn bị tinh thần cho một giai đoạn khó lường, với tiền cũ đã mất nhưng tiền mới chưa được tìm ra.