Đi cùng TP.HCM qua 50 lần tháng Tư

(DNTO) - Còn mấy ngày nữa, Lễ hội kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước sẽ long trọng diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh. Người dân thành phố cùng cả nước đang sống trong niềm vui háo hức và niềm tự hào dân tộc trong không khí sôi động, hào hùng mà có lẽ 50 năm rồi mọi người mới bắt gặp trở lại kể từ 30/4 năm ấy.
Tháng Tư năm xưa…
Những người trực tiếp nhìn thấy thời khắc lịch sử chiến tranh kết thúc vào lúc 11g30 ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn đến nay phải xấp xỉ 60 tuổi đổ lên. Có thể trong bối cảnh đặc biệt ấy, tâm trạng mỗi người có khác nhau. Nhưng chắc chắn họ cảm nhận giống nhau ở niềm vui kết thúc chiến tranh và thống nhất đất nước.
Tôi năm đó mười bảy tuổi. Gia đình tôi đang ở tại góc đường Tổng Đốc Phương (Châu văn Liêm) - Hồng Bàng, chỗ siêu thị xe máy Quang Phương bây giờ. Ba tôi là một người lính, những ngày đó luôn phải cắm trại 100%. Ở nhà chỉ có má và 7 chị em tôi. Tại đây, tôi đã tận mắt nhìn thấy chiến tranh kết thúc.

Người dân đổ ra đường mừng chiến thắng ngày 30/4. Ảnh: Internet
Đúng 11g30, Đài phát thanh Sài Gòn phát lời Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi quân đội VNCH hạ vũ khí đầu hàng quân Giải phóng miền Nam và tuyên bố giải tán hoàn toàn chính quyền Sài Gòn. Mọi người nhốn nháo xôn xao bàn tán.
Không ai để ý đến tôi. Qua ô cửa khép hờ, tôi nhìn ra đường phố. Con đường Hồng Bàng vắng ngắt, lạnh tanh trước đó bỗng không gian ngập tràn âm thanh: Tiếng còi hụ, tiếng hò reo, tiếng đổ vỡ loảng xoảng, tiếng súng đì đùng rải rác, tiếng động cơ rền rĩ… Những chiếc GMC chở quân lính VNCH hối hả chạy vút qua bỏ lại tiếng la hét, đập phá. Họ quăng xuống lòng đường nào quân phục, mũ nón, cả súng ống. Trên đường, rải rác người mặc áo tù, từng nhúm đàn bà con nít thất thiểu dắt díu nhau đi… Tất cả dội vào lòng tôi một nỗi hoang tàn, trống trải. Một khoảng không mênh mông đến vô tận xâm chiếm tâm hồn tôi. Nước mắt tôi rớt dài theo nỗi sợ hãi và hoài nghi…
Lần đầu tiên, tôi thấy xe tăng xuất hiện trên đường phố. Tăng M113, tăng M48, phất phới cờ giải phóng nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng, chở bộ đội tiến vào trung tâm Sài Gòn. Mấy chiếc cam nhông nết (camionnette: xe tải hạng nhẹ) chở đầy quân giải phóng đầu đội mũ tai bèo, khăn rằn vắt vai, hồ hởi vẫy tay lia lịa. Mấy anh chị chiến sĩ tự vệ Sài Gòn tay áo cài băng đỏ cùng với đám đông dân chúng đổ ra đường chào đón quân giải phóng. Bất giác tôi nhận ra sự tàn khốc của chiến tranh và giá trị của hòa bình.

Hành khách dồn xuống ga Bến Thành sau khi xem diễu binh (Ảnh: Ngọc Tân).
Mấy ngày sau đó học sinh được trở lại trường, tôi được xếp vào đội ngũ học sinh, sinh viên Sài Gòn tham gia mít tinh mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt vào ngày 7/5/1975, được xuống đường làm vệ sinh đường phố, được cùng người dân Sài Gòn đổ về quảng trường trước trụ sở Ủy ban quân quản thành phố để dự lễ mừng chiến thắng vào sáng 15/5/1975. Từ hoang mang, lo sợ, hoài nghi, bầu nhiệt huyết tuổi trẻ trong tôi hòa cùng niềm vui được sống trong hòa bình bừng bừng trỗi dậy. Tôi bắt đầu tập tành theo chúng bạn “đi làm cách mạng”.
Những năm tháng hừng hực khí thế lao động trên các công trình thủy lợi, các nông trường, các công trình xây dựng đã trở thành một phần đời hoành tráng, tinh khôi và trong trẻo của tôi. Nó giúp tôi trưởng thành và nuôi lớn tình yêu Tổ Quốc trong tôi, thứ tình yêu rất thật, rất cụ thể, tưởng chừng có thể sờ mó, cầm nắm được chứ không phải chỉ là những cảm nhận mông lung trên trang sách học trò.
…và tháng Tư hôm nay
Bây giờ là tháng Tư. Sài Gòn nóng như thể có bao nhiêu nắng, ông trời há miệng nhả hết xuống nhân gian. Vậy mà nhà ga metro vẫn đông đúc người dân và du khách đổ về khu trung tâm để xem hợp luyện diễu binh.

"Biển người" chờ xem sơ duyệt diễu binh, diễu hành ở TPHCM. Ảnh Internet
Nếu như Nhà ga metro Bến Thành được xem là một biểu tượng của Sài Gòn thì Cầu Ba Son nối đôi bờ sông Sài Gòn chính là điểm nhấn hài hòa trong không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, là điểm nhấn kiến trúc nổi bật, một điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách đến thăm TP.HCM.
Nửa thế kỷ với biết bao nhiêu biến động nhưng thành phố vẫn không ngừng phát triển và hội nhập với thế giới. Sự thay đổi nhanh chóng quyết liệt và dứt khoát đôi khi khiến một người “chậm chạp”, hay sống bằng hoài niệm cũ kỹ như tôi cũng phải nhanh chân, nhanh tay, nhanh trí làm mới mình để thêm hiểu, thêm yêu và tự hào trở thành một “Công dân số trong một thành phố số”.
Khi tôi ngồi biên lại những dòng ký ức này thì ở trung tâm thành phố, trên trục đường Lê Duẩn, đoạn trước Hội trường Thống Nhất (quận 1), buổi sơ duyệt cấp Nhà nước cho chương trình diễu binh, diễu hành chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) đang diễn ra, chuẩn bị cho ngày lễ chính thức 30/4.