Khi nào Việt Nam được nâng hạng thị trường chứng khoán mới nổi?
(DNTO) - Theo các chuyên gia, với sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán Việt, nhiều khả năng Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi của MSCI trong kỳ đánh giá thị trường thường niên vào tháng 5/2021.
Thị trường chứng khoán Việt đang có những triển vọng tích cực. Ảnh: T.L
Morgan Stanley Capital International (MSCI) hiện vẫn duy trì xếp hạng thị trường cận biên đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong đợt đánh giá phân loại thị trường hàng năm vào tháng 5/2020, và Việt Nam không được thêm vào danh sách theo dõi được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Hiện Việt Nam đã đáp ứng tất các tiêu chí định lượng, nhưng lại chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí định tính, như độ mở của thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế (thể hiện chủ yếu qua giới hạn sở hữu nước ngoài); Các hạn chế trong công bố thông tin bằng tiếng Anh (tin tức, báo cáo của doanh nghiệp hay các quy định của Chính phủ). Bên cạnh đó, việc thiếu thị trường giao dịch ngoại hối tại nước ngoài gây khó khăn trong việc chuyển đổi từ VND sang ngoại tệ khác, trong khi thị trường ngoại hối trong nước vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa thỏa mãn một số tiêu chí khác về giao dịch, thanh toán, chuyển nhượng chứng khoán, sản phẩm phái sinh...
Nói về câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt, tại Tọa đàm “Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19” tổ chức ngày 21/10 vừa qua, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho hay: “Câu chuyện nâng hạng thị trường, FTSE Russel và MSCI cũng không thể quyết định, mà nó phụ thuộc vào cảm nhận của nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả khi chúng ta hoàn thiện chính sách để đáp ứng toàn bộ 9/9 tiêu chí cũng không có nghĩa là chúng ta được nâng hạng ngay”.
Cũng theo bà Bình, nhà đầu tư nước ngoài cần thời gian để hấp thụ chính sách. Và để thay đổi cảm nhận của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường Việt Nam cần phải có thời gian. Không phải mọi thông tin tổ chức mà FTSE Russel và MSCI có từ thị trường Việt Nam đều chính xác. Đôi khi những thông tin họ nhận được có độ trễ khiến nhận định của họ chưa được cập nhật.
“Cảm nhận về mặt cá nhân, những trở ngại lớn nhất trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam đã được những chính sách trong thời gian tới của chúng ta giải quyết”, bà Bình nói.
Tọa đàm Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu Covid-19. Ảnh: PV
Liên quan đến vấn đề này, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, có hai điểm nghẽn chính cần được giải quyết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi của MSCI và FTSE: Thứ nhất là giới hạn sở hữu nước ngoài (Foreign Ownership Limit- FOL); Thứ hai, đáp ứng tiêu chí về thanh toán bù trừ (đặc biệt là giải quyết được vấn đề yêu cầu phải có đủ tiền trước khi giao dịch).
Theo VNDIRECT, hiện thị trường chứng khoán Việt có những triển vọng tích cực. Đó là Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Những thay đổi trong các dự luật trên sẽ góp phần gỡ nút thắt về vấn đề room ngoại. Đây là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp chưa được nới room ngoại do hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn sở hữu đối với NVDR tại các doanh nghiệp đó. Điều này sẽ thu hút thêm vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ra, việc nhiều quỹ ETF mới được thành lập trong nửa đầu năm 2020, đặc biệt là quỹ VFMVN Diamond ETF (quỹ này tập trung đầu tư vào các cố phiếu đã hết “room ngoại”), đã mở ra một kênh đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các cổ phiếu đã kín room, từ đó khơi thông hơn nữa dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nếu Việt Nam hoàn thành triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới trong nửa đầu năm 2021, VNDIRECT ho rằng Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi của MSCI trong kỳ đánh giá thị trường thường niên vào tháng 5/2021. Sau đó, Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ xem xét thường niên của MSCI vào tháng 5/2022, và việc nâng hạng sẽ chính thức có hiệu lực một năm sau đó vào tháng 6/2023.