4 xu hướng giúp phục hồi thị trường du lịch
(DNTO) - Du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vừa trải qua một năm ảm đạm khi dịch Covid-19 hoành hành trên toàn cầu. Hội đồng du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) đã khuyến nghị các biện pháp nhằm giúp doanh nghiệp trong ngành có thể hồi phục.
Hội đồng du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) đã có cuộc phỏng vấn với các CEO hàng đầu trong ngành Lữ hành - Du lịch để ghi nhận những chia sẻ về quan điểm của họ về các tác động của đại dịch Covid-19 và đưa ra 4 xu hướng để phục hồi ngành du lịch thời kỳ hậu Covid.
Chuyển trọng tâm sang khách nội địa
Trong bối cảnh các chuyến bay quốc tế bị tạm dừng, nhu cầu du lịch nội địa ngày càng dồi dào và được dự báo sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới.
Ngay từ vài tháng trước, nhiều doanh nghiệp du lịch - lữ hành đã dồn lực để kích cầu du lịch nội địa, đảm bảo phục vụ đối tượng khách này. Tuy nhiên, quan trọng là vẫn phải duy trì việc chuẩn bị cho sự phục hồi du lịch quốc tế từ sớm.
Tăng cường biện pháp bảo vệ sức khỏe và vệ sinh cho du khách
Nhận thức về sức khỏe và vệ sinh có lẽ là điều khách hàng quan tâm nhất. Trong giai đoạn này, các hãng lữ hành cần phải chú trọng hơn nữa vấn đề đảm bảo vệ sinh và các biện pháp phòng chống dịch để tăng độ an toàn của từng chuyến đi.
Số hóa để mang lại thuận lợi cho khách hàng
Dù bị thiệt hại nặng nề trong giai đoạn đại dịch, tuy nhiên theo WTTC, doanh nghiệp có thể tận dụng công nghệ để tăng cơ hội cho mình. Các nhà làm tour truyền thống nếu biết ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phục vụ khách hàng sẽ là một lợi thế giúp khách hàng cảm thấy thuận tiện hơn, giảm thời gian thực hiện các thủ tục rườm rà. Có thể nói Covid-19 là một chất xúc tác "bất đắc dĩ" trong việc thúc đẩy ngành Lữ hành - Du lịch đổi mới và tích hợp thêm các công nghệ mới.
Du lịch vì sự bền vững
Các doanh nghiệp trong ngành du lịch sẽ phải đối mặt với sự giám sát gắt gao, bao gồm cả việc bị theo dõi hồ sơ môi trường và sự hỗ trợ của mình đối với tính đa dạng và cân nhắc đến môi trường trong quá trình vận hành. Đây là thời điểm để ngành du lịch cần tăng tốc thực hiện những thay đổi có ý nghĩa để tạo ra sự khác biệt lâu dài cho thế hệ tương lai. Qua đó khách hàng sẽ thêm tin cậy, ủng hộ doanh nghiệp khi thấy được sự nỗ lực của đơn vị trong việc đóng góp phát triển du lịch bền vững.
Các xu hướng này là 4 vấn đề chính được các chuyên gia dự báo từ nhiều khu vực địa lý khác nhau. Tuy nhiên, ngành du lịch Việt Nam vẫn có thể chắt lọc từ các xu hướng này để tìm ra bài học phát triển, qua đó rút ngắn giai đoạn phục hồi và phát triển trong bối cảnh các lệnh hạn chế đi lại đang dần được gỡ bỏ.
Theo Hội đồng du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC)