Hỗ trợ phòng, chống dịch: Các nền tảng công nghệ vẫn đang bị động
(DNTO) - Dù có rất nhiều nền tảng công nghệ ra đời với mục đích hỗ trợ việc phòng, chống dịch Covid-19, tuy nhiên vì nhiều lý do, những đối tượng cần hỗ trợ chưa thể tiếp cận các nền tảng này.
Hiện nay, một số nền tảng công nghệ thông tin đã được sử dụng trong phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta như nền tảng khai báo y tế điện tử, nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm trực tuyến, nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 và nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa.
Mặc dù các nền tảng này đã phát huy tác dụng trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, tuy nhiên theo ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, hiện nhu cầu của người dân cần nhiều hơn thế, ví dụ như nhu cầu về tư vấn chỗ ở, đảm bảo lương thực thực phẩm hay trợ giúp về cuộc sống… đặc biệt là 3 nhóm đối tượng đang gặp khó khăn, gồm những người dân đang lưu trú tại các địa phương bị cách ly do dịch Covid-19, các hộ gia đình nghèo sống vãng lai ở nhà trọ, lao động tự do mất việc làm.
Hiện nay, dịch Covid-19 bùng phát khiến cả hệ thống chính trị, y tế, xã hội quá tải, tập trung khoanh vùng dập dịch. Do vậy, việc tư vấn sâu, trao đổi, trấn an tinh thần cho người dân còn hạn chế. Trong khi đó, các nền tảng công nghệ thông tin đã có nhưng việc triển khai còn bị động, chưa đủ để giúp người dân yên tâm và thực hiện tốt việc giãn cách phòng dịch. Do đó xảy ra không ít trường hợp người dân di chuyển từ vùng này sang vùng khác, gây lây lan dịch bệnh.
“Đó là lý do nhiều người dân phàn nàn về việc gọi đến những tổng đài tư vấn, hỗ trợ về dịch Covid-19 nhưng không ai bắt máy. Vì không đủ nguồn lực để huy động hàng trăm người ngồi trực tổng đài tư vấn cho hàng chục nghìn người gọi đến cùng lúc. Câu hỏi đặt ra là làm sao dùng công nghệ thu thập được thông tin cụ thể của các đối tượng trên, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân loại và có giải pháp cứu trợ một cách nhanh nhất, sâu rộng nhất để không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Thắng nêu ý kiến.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Việt Hùng, Founder và CEO của Got it (startup công nghệ Việt tại thung lũng Silicon, Mỹ) cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19, vấn đề ngành y tế đang đối mặt là sự quá tải, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới cũng vậy. Do vậy, công nghệ phải đóng vai trò phân tải giúp hệ thống y tế.
Mới đây, liên minh 4 đơn vị gồm: Công ty STEAM for Việt Nam, Công ty Got It! Việt Nam, Công ty Kompa Group và Công ty Filum cùng cho ra mắt nền tảng “Giúp tôi!”. Bằng cách huy động mạng lưới chuyên gia y tế trong và ngoài nước, “Giúp tôi!” hỗ trợ người dân kết nối với các bác sĩ qua chat hoặc video, để tư vấn về chăm sóc sức khỏe.
“Việc dập dịch như đánh giặc, yêu cầu phải nhanh, vì vậy chúng tôi thần tốc trong 2 tuần xây dựng nền tảng, khi áp dụng công nghệ phải tìm giải pháp đơn giản nhất có thể, mặc dù bài toán giải quyết vô cùng phức tạp”, CEO Got It chia sẻ.
Tuy nhiên, để phát huy triệt để vai trò hỗ trợ, việc xây dựng các giải pháp công nghệ cũng phải “đúng” và “trúng”, trong đó phải tối ưu năng lực của đội ngũ bác sĩ.
“Hiện các bác sĩ đều rất bận rộn, không thể yêu cầu họ ngồi trực điện thoại hay gửi các số điện thoại đi khắp nơi. Vì vậy chúng tôi tối ưu từng giây, từng phút bằng việc giới hạn thời gian mỗi phiên tư vấn trong 15 phút, trừ khi bác sĩ quyết định kéo dài thời gian. Điều này giúp bác sĩ có thể chủ động tư vấn vào những thời gian rảnh và những người dân khi cần tư vấn y tế sẽ dễ dàng như gọi Grab, Now”, ông Hùng cho biết.
Thế nhưng, theo các chuyên gia, khó khăn khi ứng dụng giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19 là việc nhiều đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch nhưng chưa chắc có thể tiếp cận giải pháp công nghệ (do không có điện thoại thông minh, không biết cách sử dụng…).
Do vậy, vấn đề đặt ra là kết nối giữa các hệ thống công nghệ thông tin như thế nào, mở rộng như thế nào để bao phủ các đối tượng cần được hỗ trợ. “Việc này quá sức đối với một đơn vị, chúng tôi cần sự chung tay của nhiều tổ chức khác cùng tham gia”, ông Hùng cho hay.