‘Hàng rào’ bủa vây hàng xuất khẩu
(DNTO) - Lạm phát tăng cao làm giảm nhu cầu hàng hóa, chi phí nguyên liệu tăng cao, tình trạng thiếu hụt container vẫn còn ở nhiều nước châu Á, đặc biệt hàng rào kỹ thuật với hàng hóa dựng lên ngày càng cao… là những khó khăn khiến hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ còn khó khăn trong những ngày cuối năm.
Con số xuất siêu 3,96 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm nay cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đang khởi sắc và nền kinh tế phục hồi tốt.
Tuy vậy, tình hình kinh tế thế giới đang biến động không ngừng theo chiều hướng bất ổn gia tăng, khi căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine chưa đến hồi kết, lạm phát tại nhiều khu vực, quốc gia trên thế giới đang tăng cao làm giảm nhu cầu hàng hóa… điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của một quốc gia có độ mở nền kinh tế lên tới 200% GDP như Việt Nam.
Đơn cử như với thị trường Mỹ, một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, với kim ngạch ước đạt 77,7 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kì năm trước, nhưng cũng đang đối diện với nguy cơ sụt giảm nhu cầu.
Một khảo sát của FMI với gần 1.500 người tiêu dùng Mỹ mới đây cho thấy, hiện người Mỹ giảm chi tiêu 12 USD mỗi tuần so với thời điểm đầu năm, khi giá thực phẩm tại nước này tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt là mặt hàng thủy sản là thế mạnh của nước ta.
Hay EU, thị trường với kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với 31,9 tỷ USD, tăng hơn 23% so với cùng kì năm trước, đang thắt chặt hơn các yêu cầu tiêu chuẩn kĩ thuật với hàng hóa nhập khẩu ngoài khối.
Ông Vũ Chiến Thắng, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha cho biết, thị trường này sẽ siết chặt nhập khẩu một loạt mặt hàng như sữa, rau quả, cà phê, phân bón, dược phẩm… “Thời gian gần đây, 8 loại nông sản Việt Nam như cà phê, nước sốt tiêu, hạt điều, gạo, bột cà ri, vải thiều… đã bị Bộ Y tế Tây Ban Nha cảnh báo về việc chứa chất gây bệnh hay chất cấm, dẫn đến các lô hàng sau đó bị quốc gia này đưa vào diện tăng cường kiểm soát. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần duy trì chất lượng hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường này”, ông Thắng cho biết.
Ngoài ra, theo Phaata, mặc dù giá cước vận tải trên hầu hết các tuyến biển quốc tế hiện đều đang trong xu hướng hạ nhiệt, nhưng tại một số như châu Á – châu Âu, Bắc Mỹ - châu Á công suất vận chuyển vẫn tương đối eo hẹp do số lượng lớn tàu bỏ chuyến, trượt lịch trình và bỏ cảng. Lịch trình tàu thất thường tiếp tục gây ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa. Tình trạng thiếu hụt container dù có cải thiện hơn nhưng vẫn còn thiếu hụt ở nhiều nước châu Á và tại Mỹ.
“Với tuyến châu Á – châu Âu, chủ hàng nên đặt chỗ trước ngày tàu chạy dự kiến ít nhất 2 tuần. Cân nhắc chọn dịch vụ đảm bảo và linh hoạt chọn thiết bị thay thế khi cần. Nên linh hoạt khi lập kế hoạch cho các chuyến hàng với dự báo tình trạng tắc nghẽn và chậm trễ. Còn với tuyến Bắc Mỹ - châu Á, nên đặt chỗ ít nhất 1 tháng trước ngày tàu chạy dự kiến. Các nhà nhập khẩu có thể cân nhắc tận dụng tình hình chỗ hiện có và giá cước thị trường giao ngay tốt hơn”, Phaata khuyến nghị.
Những thách thức khi các ngân hàng trung ương nâng lãi suất cơ bản, chính sách thắt chặt tiền tệ này ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa, từ đó tác động tới các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của nước ta.
Các chuyên gia thống kê khẳng định, áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn rất lớn, độ trễ của lạm phát có thể rơi vào những tháng còn lại trong năm hoặc trong cả năm tới. Do đó, việc điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ, trong đó đặc biệt là điều hàn giá xăng dầu tiếp tục là yêu cầu từ thực tiễn.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý, ở góc độ vĩ mô, tất cả những thay đổi trên thị trường lao động và hành vi của người tiêu dùng đều cần được theo dõi để đảm bảo việc tăng trưởng được duy trì, không ảnh hưởng đến những cân đối lớn của nền kinh tế. Khi kinh tế vĩ mô ổn định trong những tháng cuối năm, sẽ là tiền đề tăng trưởng ổn định cho cả năm 2023.