Giá trị truyền thống của ngày Tết trong tâm thức người Việt
(DNTO) - Nhớ cách đây nhiều năm, trong dư luận rộ lên ý kiến xoay quanh đề nghị bỏ Tết cổ truyền. Nhưng cuối cùng, trải qua thăng trầm thời cuộc cho dù có những giá trị bị thay đổi, đảo lộn, giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền trong tâm thức người Việt vẫn mãi còn nguyên vẹn.
Nhiều ngày lễ hội được du nhập
Trong quá trình giao lưu hội nhập quốc tế, nước ta du nhập ngày càng nhiều lễ hội phương Tây. Trong năm hầu như không có tháng nào là không có “ngày lễ, ngày kỷ niệm”.
Có những lễ hội mang yếu tố chính trị, tôn giáo, ngoại giao như Tết Dương lịch, Lễ Noel, Lễ hội hoa Anh Đào, Ngày Quốc tế Phụ nữ... Có các lễ hội theo trend, tự phát, được hưởng ứng nồng nhiệt - đặc biệt là giới trẻ - như một hiện tượng văn hóa - xã hội mang màu sắc mới mẻ như Valentine – Lễ Tình Nhân; Mother's Day - Ngày của Mẹ; Father's Day - Ngày của Cha; Lễ hội Halloween; Ngày Quốc tế Đàn ông - Men's Day; Ngày Quốc tế Ôm tự do - International Free Hugs Day; Ngày Quốc tế Hạnh phúc - International Day of Happiness…
Các thống kê tạm thời cho thấy, tuy các lễ hội này chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 0,12 % tổng số lễ hội trên cả nước, nhưng có thể nói chúng đã có những tác động nhất định với một bộ phận người dân Việt.
Ngoài một vài hiện tượng bị lạm dụng, biến tướng theo hướng tiêu cực phải nói phần lớn các lễ hội này giúp giới trẻ thỏa mãn nhu cầu giao lưu văn hóa toàn cầu, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, kích cầu kinh tế tiêu dùng…
Chúng tỏ ra phù hợp với cuộc sống hiện đại tất bật, gấp gáp, không có nhiều thời gian, không cần bỏ công chuẩn bị bởi các lễ hội thường diễn ra nhanh gọn lẹ chỉ trong một ngày. Mặt khác, ngoại trừ lễ Noel, các lễ hội khác cũng không rườm rà "nghi lễ" mà nghiêng về phần “hội” nhiều hơn. Chúng tạo ra cơ hội vui chơi, giải trí, mua sắm, tặng quà, ăn uống giao lưu người thân, bạn bè.
Hội nhập văn hóa là một phần không thể thiếu trong hội nhập toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên cho dù có du nhập bao nhiêu lễ hội từ các nước thì trong tâm thức người Việt, Tết Nguyên đán vẫn luôn giữ vai trò quan trọng và thiêng liêng mang nét truyền thống đặc trưng được lưu truyền qua nhiều thế hệ của dân tộc mình.
Tết Nguyên đán mang đậm bản sắc dân tộc
Tết mỗi vùng miền tuy có những nét riêng nhưng tựu trung, mọi phong tục tập quán đều hướng đến những giá trị căn bản như nhau. Đó là thời khắc con cháu gác lại mọi công ăn việc làm diễn ra trong năm để hướng về nguồn cội, tạ ơn tổ tiên, ông bà, tưởng nhớ tiền nhân đã khuất, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; Là thời điểm sum họp gia đình, thăm thú bà con họ hàng chúc thọ người già, mừng tuổi cho trẻ con, gắn kết tình cảm gia đình dòng tộc; là cơ hội tỏ lòng tôn sự trọng đạo, thể hiện trong câu thành ngữ “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”…
Tết Nguyên đán cũng là tiết mở đầu cho một năm mới, chào đón một chu kỳ mới với mong muốn được nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu, của cải, thóc lúa đầy nhà, cuộc sống tươi vui, an nhàn, ấm no, sung túc, may mắn quanh năm… được người dân gửi gấm vào niềm tin “đầu xuôi đuôi lọt”.
Để đạt được như thế, người ta phải tốn thời gian chuẩn bị rất lâu. Không chỉ để phục vụ “ăn” tết (lương thực, thực phẩm, bánh mứt) mà còn “chơi” tết (hoa kiểng, trang trí).
Ngày nay, tết cổ truyền đã có nhiều sự thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Các dịch vụ dọn dẹp vệ sinh trang hoàng nhà cửa; các dịch vụ mua bán giao tận nơi của các sàn thương mại điện tử, siêu thị, cửa hàng… với rất nhiều mặt hàng phong phú, giá cả ổn định, đã hỗ trợ người dân rất hữu hiệu trong khâu chuẩn bị ăn và chơi tết.
Tết ngày nay không còn kéo dài từ ngày 20 tháng Chạp năm cũ sang đến mùng 10 năm mới như ngày xưa. Tết diễn ra ít ngày hơn, đỡ vất vả hơn nhưng nét văn hóa truyền thống trong ẩm thực ngày tết, các phong tục như bữa cơm tất niên chiều 30, đón giao thừa, xông đất, đi lễ xin lộc, chúc tết, mừng tuổi… vẫn được gìn giữ rõ nét và sâu đậm.
Cho dù trong năm có bao nhiêu ngày lễ lội đi nữa, thì ngày Tết Nguyên đán vẫn cần được gìn giữ lưu truyền cho muôn đời sau. Hy vọng rằng theo thời gian, theo sự phát triển của xã hội, theo sự biến đổi của cuộc sống, tết sẽ tự “uốn mình” thích nghi, tồn tại để nhắc nhở con cháu mình dù đi đâu, ở đâu cũng luôn nhớ về nguồn cội, vun đắp tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.