Mối lo thực phẩm ‘bẩn’ trong dịp tết
(DNTO) - Tết cổ truyền sắp đến, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trong người dân tăng cao. Đây là thời điểm để một số cơ sở sản xuất thực phẩm vì lợi ích cá nhân cố tình đưa ra thị trường các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chứa chất cấm làm ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí gây nguy hiểm tính mạng người tiêu dùng.
Thực phẩm "bẩn" tràn lan
Ngày 27/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam chủ cơ sở sản xuất giò chả tại số 41 Nhơn Hòa 12 (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng) là ông Phạm Xu Tý (SN 1984, trú phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng). Đồng thời, vợ ôngTý là bà Võ Thị Tuyệt (sinh năm 1991, trú phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) cũng bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú. Cả hai cùng vi phạm quy định về lĩnh vực an toàn thực phẩm, khoản 2 Điều 317 Bộ luật Hình sự.
Được biết cơ sở sản xuất của ông Phạm Xu Tý bị phát hiện gần 1 tấn giò chả các loại (chả bò, chả lợn, chả da lợn) dương tính với hàn the (natri borat).
Trước đó một ngày, 26/12, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng đã triệt xóa thành công và khởi tố 4 chủ cơ sở dùng chất cấm là "nước kẹo" để sản xuất giá.
Tạm giữ hàng chục tấn thực phẩm đông lạnh các loại là nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ghi hạn sử dụng vào hồi tháng 4/2024 tại TP Thủ Đức cũng là thông tin từng làm hoang mang dư luận.
Đối phó với tình trạng sản xuất thực phẩm bẩn
Thời gian qua, bằng nhiều biện pháp, các cơ quan chức năng cùng người dân đã hết sức nỗ lực và mạnh mẽ “tuyên chiến” với thực phẩm bẩn. Các đội Quản lý thị trường chủ động phối hợp các cơ quan chức năng trên địa bàn đã thường xuyên tổ chức thực hiện giám sát, kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm kiểm tra việc chấp hành các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm; phát hiện kịp thời các vi phạm an toàn thực phẩm, trong chế biến và các quy định có liên quan.
Trong nỗ lực đó, các hệ thống bán lẻ như các siêu thị, cửa hàng cũng ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, ngăn ngừa thực phẩm bẩn với mặt hàng trái cây, rau củ, thịt… Nếu phát hiện sản phẩm không an toàn, các hệ thống phân phối phải ngay lập tức kiểm tra; tạm dừng nhập/phân phối/kinh doanh sản phẩm đó.
Vừa qua, khi có thông tin giá đỗ có dùng chất cấm ở Đắk Lắk được bán tại Bách Hóa Xanh, đơn vị này đã ngay lập tức thu hồi và ngưng bán, tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho hệ thống Bách Hóa Xanh, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ sự việc. Đồng thời cam kết hoàn tiền hoặc đổi sản phẩm khác cho khách hàng.
Cần sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt
Vừa qua, nhiều vụ kinh doanh thực phẩm "bẩn" đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý, thậm chí khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tuy nhiên, vẫn có những vụ việc có mức hình phạt được cho là “không xứng đáng” khiến người dân bất bình.
Điển hình như vụ chủ cơ sở trồng giá bằng hóa chất độc hại ở Huế chỉ bị phạt 45 triệu đồng mà không khởi tố với lý do giá trị của lô giá có giá trị không quá 10 triệu đồng nên chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự theo điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Theo các chuyên gia, cần sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt theo hướng tăng nặng hơn so với các quy định hiện hành trong xử phạt vi phạm thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Cái tâm và trách nhiệm cộng đồng
Không có một giải pháp riêng biệt nào có thể giải quyết triệt để vấn nạn thực phẩm “bẩn” trong một sớm, một chiều mà có ngay kết quả. Nó cần sự quyết liệt, đồng bộ nhiều nhóm giải pháp. Trong đó quan trọng nhất vẫn là vai trò của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Họ là nhân tố quyết định trong việc “gỡ” nút thắt này. Cần thiết phải khơi dậy được “cái tâm” và nâng cao trách nhiệm công đồng của họ.
Không chỉ người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Người tiêu dùng cũng cần kiên quyết “nói không” thậm chí “tẩy chay” thực phẩm bẩn cũng như các cá nhân, đơn vị sản xuất thực phẩm “bẩn”. Người tiêu dùng cần tập thói quen khi mua thực phẩm nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, có thương hiệu uy tín, xem kỹ thời hạn sử dụng, không ham rẻ mà mua hàng trôi nổi, kém chất lượng gây hại cho bản thân và gia đình.