Ngộ độc thực phẩm: Ngoài các biện pháp rất cần sự thức tỉnh lương tâm
(DNTO) - Cũng giống như hỏa hoạn, ngộ độc thực phẩm đa phần là do con người gián tiếp hoặc trực tiếp gây ra. Để hạn chế đến mức tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt như vừa qua thì ngoài các biện pháp rất cần sự thức tỉnh lương tâm của con người.
Tháng hành động vì Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm 2023 diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5/2023, nhằm tạo điểm nhấn bắt đầu cho đợt cao điểm phát động chiến dịch truyền thông, đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm VSATTP … chưa kịp khởi động thì liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm với quy mô lớn liên tiếp xảy ra.
Tiêu biểu là các vụ: Vụ ngộ độc hàng loạt với số nạn nhân lên đến hơn 300 người vào giữa tháng 9/2023 tại cơ sở kinh doanh bánh mì Phượng (ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Tiếp theo tối 29/9, sau khi ăn bánh su kem tại sự kiện mừng Trung thu do Ban quản lý chung cư Palm Heights (P.An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM) tổ chức, đã có khoảng 50 người bị rối loạn tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm, trong đó có một bé “không qua khỏi”.
Cả hai vụ ngộ độc trên đều được cơ quan chức năng kết luận là do thức ăn bị nhiễm vi khuẩn salmonella. Sự việc làm chúng ta nhớ đến vụ ngộ độc tại Trường iSchool Nha Trang khiến 665 người nhập viện, trong đó 1 học sinh tử vong cũng do vi khuẩn Salmonella gây ra. Đây là loại vi khuẩn được tìm thấy trong hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm.
Theo bác sĩ Bạch Văn Cam - Cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 1, vi khuẩn Salmonella là một trong hai nhóm tác nhân thường gặp gây ra ngộ độc thực phẩm. Salmonella có trong thực phẩm từ động vật nhưng cũng không loại trừ nó có trong đất hoặc nước, trái cây và rau quả. Salmonella cũng có thể lây nhiễm từ những tác nhân bên ngoài, qua các dụng cụ trung gian như đồ dùng trong nhà bếp: dao, thớt…
Để hạn chế việc lây nhiễm salmonella, người dân được khuyến cáo tuyệt đối không ăn trứng hoặc thịt gia cầm nấu chưa chín kỹ; Để thịt chưa nấu chín tránh xa thức ăn đã được chế biến sẵn.
Rửa kỹ tất cả các bề mặt bếp, dao và các dụng cụ khác sau khi sử dụng; Bảo quản thực phẩm ngay trong tủ lạnh hoặc tủ đông trong vòng 1 - 2 giờ, ngay cả khi thực phẩm mới được chế biến.
Ngoài ra, để phòng ngừa vi khuẩn Salmonella gây bệnh, mọi người cần giữ gìn vệ sinh xung quanh nơi ở và làm việc. Đặc biệt là nên rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi đùa với động vật.
Liên tiếp các vụ ngộ độc gần đây, nhất là sự cố xảy ra ngay trong đêm Trung thu làm một bé gái 6 tuổi thiệt mạng oan uổng khiến chúng ta càng đau xót, càng thêm hoang mang, lo lắng.
Để xác định được “thủ phạm” đích thực gây ra ngộ độc là không khó. Nhưng để xác định”thủ phạm” xâm nhập từ khi nào, trách nhiệm trực tiếp thuộc về ai, từ người nuôi trồng, từ người cung cấp thực phẩm, từ khâu chế biến hay bảo quản v.v… là một điều không hề dễ dàng.
Sau mỗi vụ ngộ độc hàng loạt, nhà chức trách và các cơ quan, đơn vị có liên quan lại ráo riết vào cuộc, điều tra, xem xét tìm ra “thủ phạm”; Các y bác sĩ ngày đêm dốc lòng cứu chữa bệnh nhân; Rồi an ủi, ủy lạo những gia đình khó khăn hoặc có người tử vong; Cũng đã có nhiều vụ, các đơn vị cá nhân thiếu trách nhiệm, vi phạm quy tắc VSATTP bị xử phạt theo pháp luật. Nhưng kinh nghiệm chỉ để rút tỉa trong khi người sống thì mang di chứng có khi suốt đời, còn người chết là không gì bù đắp được.
Để vấn đề VSATTP không còn là nỗi lo lắng thường trực của người tiêu dùng, điều quan trọng nhất vẫn phải là lương tâm, trách nhiệm, là sự tự giác, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về VSATTP của các cơ sở và những người sản xuất…
Trước hết là từ người sản xuất, nuôi trồng, cung cấp nguyên liệu. Gia súc, gia cầm, rau, củ, quả… dư lượng thuốc tăng trọng, thuốc trừ sâu vượt mức cho phép, thậm chí hàng hóa hư thối được được tẩm ướp hóa chất rồi mang đi cung cấp cho thị trường tiêu dùng; Thêm tình trạng các lò giết mổ gia súc được mở ra một cách tùy tiện… là những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
Kế đến là các đơn vị kinh doanh, cá nhân phụ trách chế biến thực phẩm, cung cấp bữa ăn. Phổ biến là tình trạng sử dụng chất cấm để bảo quản hàng hóa. Do ham giá rẻ, lãi nhiều nên thâu nhận thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Những khu nhà bếp dơ bẩn, nhớp nhúa, dụng cụ nhà bếp, dụng cụ bàn ăn… rửa ráy sơ sài… là nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm
Quan trọng hơn hết là vai trò của chính quyền và các ngành chức năng trong việc cấp phép kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP. Đồng thời giám sát, kiểm tra, sự chấp hành các quy định về VSATTP không chỉ ở nhà hàng, quán ăn có quy mô lớn mà kể cả gánh hàng rong hay các xe đẩy buôn bán vỉa hè; Khi xảy ra vi phạm phải xử lý đích đáng để làm gương.
Cơ quan chức năng làm việc tắc trách, để xảy ra quan liêu, tiêu cực có nghĩa là đẩy người dân vô tội vào mối đe dọa “sống chung” với ngộ độc thực phẩm, không loại trừ việc trả giá bằng tính mạng của con người.
Cuối cùng là người tiêu dùng, nhất là các chị em nội trợ, cần am hiểu các kiến thức, thông tin về vấn đề VSATTP và các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho người thân trong gia đình.
Một lần nữa, để hạn chế đến mức tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt như vừa qua thì ngoài các biện pháp rất cần sự thức tỉnh lương tâm con người.