Giá nhà khó giảm khi các dự án địa ốc còn trầy trật pháp lý
(DNTO) - Rút ngắn thời gian hoàn thành hồ sơ pháp lý cho các dự án nhà ở được nhiều doanh nghiệp địa ốc xem là phương án thiết thực nhất để hạ nhiệt thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện nay.
Cần tới 35 con dấu cho mỗi hồ sơ pháp lý
Nhiều dự án bất động sản có quỹ đất sạch nhưng cũng phải trầy trật 2-3 năm trời mới có thể hoàn thành được hồ sơ pháp lý, "danh chính ngôn thuận" triển khai dự án và đưa sản phẩm ra thị trường, là câu chuyện không còn mới với nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi quỹ đất ở các thành phố lớn ngày càng eo hẹp, các dự án nhà ở để có thể xây dựng đầy đủ tiện ích lại cần diện tích không hề nhỏ, khiến chuyện hồ sơ pháp lý dự án thêm phần trầy trật, doanh nghiệp chậm đưa sản phẩm ra thị trường. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người dân ngày càng lớn dẫn đến hiện tượng lệch pha cung - cầu, nguyên nhân khiến giá nhà khó giảm.
Phát biểu trong một talk show về bất động sản mới đây, ông Dương Long Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BĐS Thắng Lợi cho biết, để mỗi dự án đủ điều kiện bán hàng và kinh doanh thì doanh nghiệp của ông đâu đó phải cần tới 35 con dấu của các cơ quan chức năng. Ở các tỉnh lân cận TP.HCM như Bình Dương hay Long An ít hơn nhưng cũng cần tới 30 con dấu.
"Điều này tác động mạnh đến chi phí thời gian, chi phí cơ hội của doanh nghiệp. Thậm chí hiện nay, có nhiều dự án kẹt giấy xây dựng 5,10 năm nay không triển khai được", ông Thành cho biết.
Hiện tại thời gian pháp lý mỗi dự án trung bình 2-3 năm. The ông Thành, nếu thời gian này chỉ cần rút gọn 1 tháng thì chi phí cấu thành trên chi phí tài chính mỗi dự án đã tiết kiệm từ 0,5-1%. Như vậy nếu rút ngắn thời gian hoàn thành hồ sơ pháp lý tới 12 tháng thì chi phí tiết kiệm được không hề nhỏ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ đưa được giá nhà hợp lý cho người tiêu dùng, nhất là khi doanh nghiệp vì cộng đồng không đặt quá cao về kỳ vọng lợi nhuận.
Trong khi đó, theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, cho biết, chi phí xây dựng với mỗi dự án sẽ khó rẻ đi trong bối cảnh nguy cơ lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng với nguyên vật liệu xây dựng, giá nhân công không ngừng tăng lên...
Các doanh nghiệp phần lớn vay vốn ngân hàng để thực hiện dự án. Chi phí vận hành doanh nghiệp phụ thuộc vào chi phí lãi vay ngân hàng. Do đó, khi quy trình pháp lý rút ngắn sẽ chắc chắn giảm bớt chi phí doanh nghiệp và người được hưởng lợi cuối cùng chính là người dân mua nhà.
"Doanh nghiệp không cần lãi suất bù đâu mà cái cần là quỹ đất phù hợp hoặc thủ tục pháp lý nhanh nhất để triển khai dự án. Chúng tôi không muốn thị trường tăng trưởng quá nóng mà cần thị trường ổn định", ông Phúc nhận định.
Hiện tại những doanh nghiệp như Phúc Đông đang phải cố gắng "thắt lưng buộc bụng" để giảm chi phí dự án thấp nhất.
Cần đột phá trong xử lý hồ sơ pháp lý
Nói về giải pháp để hướng tới mục tiêu giá nhà hợp lý hơn, theo ông Dương Long Thành, các cơ quan chức năng cần có đột phá trong việc cải thiện thời gian xử lý hồ sơ pháp lý dự án.
Một giải pháp được ông đưa ra, là tại mỗi địa phương nên chọn ra 10-20 doanh nghiệp đã có dự án uy tín, sau đó sẽ đứng ra bảo lãnh, cho phép các doanh nghiệp vừa hoàn thiện pháp lý vừa triển khai dự án.
Các doanh nghiệp sẽ tiến hành song song hai việc trên thay vì mất 2-3 năm mới triển khai dự án được. Như vậy sẽ sớm đưa dự án vào hoạt động, nhanh chóng đưa nguồn cung ra thị trường đáp ứng nhu cầu khách hàng.
"Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã được thí điểm vấn đề trên thì tại sao không mở rộng với các doanh nghiệp tư nhân. Với chủ đầu tư uy tín, câu chuyện lợi nhuận không phải là tất cả. Chúng tôi cũng như các doanh nghiệp địa ốc khác không thể dễ dàng đánh đổi thương hiệu đã xây dựng bao năm nay của mình", ông Thành nhấn mạnh.
Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản đề nghị thành phố gỡ khó pháp lý cho 64 dự án nhà ở bị ách tắc hồ sơ 5-10 năm, hiện đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản. Trong số các dự án trên, có 3 nhóm cần được đẩy mạnh giải quyết là dự án nhà ở xã hội, dự án không bị rà soát pháp lý, đang thuộc diện bị rà soát, thanh - kiểm tra nhưng chưa có kết luận cuối cùng. Theo HoREA, việc ách tắc 64 dự án trên là nguyên nhân khiến nguồn cung nhà ở bị đình trệ, sụt giảm mạnh trong khi giá bán nhà tăng liên tục, khiến nhiều dự án không thể hoàn thành việc cấp sổ hồng cho hàng chục nghìn hộ dân trong cả thập niên qua. |