Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tụt giảm 43%, thấp nhất trong 9 năm qua
![](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/resize/50x50/files/user/2022/10/24/gampt-100057.jpg)
(DNTO) - Từ vị trí đứng đầu và đạt mức đỉnh cao về giá vào giữa tháng 8/2023 với con số 700 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tụt dốc giảm còn 399 USD một tấn, thấp nhất trong 9 năm.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cập nhật thông tin giá gạo xuất khẩu mới nhất cho hay, gạo 5% tấm ngày 8/2 đứng ở mức 399 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với ngày trước đó; gạo 25% đứng ở mức 371 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn so với ngày trước đó; gạo 100% tấm đứng ở mức 313 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với ngày trước đó. Với mức giá hiện nay, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang thấp nhất thế giới.
![VFA dự báo xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ gặp khó khăn, có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn năm 2024. Ảnh: TL.](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/09/screenshot-2025-02-09-193515-1936.jpg)
VFA dự báo xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ gặp khó khăn, có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn năm 2024. Ảnh: TL.
Như vậy, từ mức đỉnh cao vào giữa tháng 8/2023 với con số 700 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tụt dốc và xuống mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua. So với mức giá hiện tại vào ngày 8/2 là 399 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 301 USD/tấn, tương ứng với mức giảm khoảng 43%.
Lý giải nguyên nhân, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay tình trạng giảm giá này là do Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo sau 2 năm tạm đóng cửa, làm tăng nguồn cung trên thị trường quốc tế và tạo áp lực cạnh tranh đối với các nước xuất khẩu khác, bao gồm Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu lớn như Philippines và Indonesia đang chững lại, do các nước này đã tích lũy đủ lượng gạo dự trữ trong năm 2024 và hiện đang chờ giá giảm thêm trước khi tiếp tục mua.
Theo ông Tiến, việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường là vấn đề cần được đặt ra. Theo đó, cùng với thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines.
"Đặc biệt là đối với cả thị trường Philippines, năm 2024 chúng ta xuất trên 2,9 triệu tấn gạo và thu về một khoản tương đối tốt. Đối với thị trường Indonesia, đang xúc tiến để giữ khối lượng xuất khẩu gạo ổn định và giá cả phù hợp theo từng thời điểm.
Mặt khác, về thị trường Halal, bộ đã chỉ đạo một số doanh nghiệp đã có những sản phẩm xuất khẩu. Bộ đã triệu tập các doanh nghiệp họp bàn và thúc đẩy các giải pháp để chúng ta bước vào những thị trường mới, để làm sao mà duy trì được quy mô và đà tăng trưởng trong năm 2025", ông Tiến nói.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An lưu ý, so với các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Thái Lan, chúng ta vẫn còn thiếu một chiến lược bảo hộ thương hiệu và phát triển sản phẩm...