Giá điện vẫn đang quá sức với thu nhập của người dân
(DNTO) - Sau gần 4 năm giữ ổn định, giá điện dự báo sẽ được điều chỉnh tăng trong năm 2023. Tuy nhiên, giá bán lẻ điện tăng bao nhiêu để cân bằng lợi ích giữa các bên dường như vẫn đang là bài toán khó. Quan điểm của Chính phủ là cần ngồi lại, đàm phán trên tinh thần không ai bị thiệt thòi.
Áp lực tăng giá điện đã xuất hiện từ năm 2022, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đang đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính. Giá bán lẻ điện bình quân hiện ở mức 1.864,44 đồng/KWh (chưa gồm thuế GTGT), duy trì từ tháng 3/2019 đến nay.
Với cách tính trên, giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng hiện thấp hơn mức trần là 579,65 đồng, và cao hơn mức sàn 38,22 đồng. EVN cho biết trong năm 2023 tiếp tục gặp trở ngại trong cân đối dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện, cũng như "bài toán" huy động vốn đầu tư các dự án điện.
Theo các chuyên gia, việc khung giá bán lẻ điện bình quân tăng chưa làm tăng ngay giá bán lẻ điện bình quân, vốn đứng trước nhiều áp lực phải tăng từ năm 2022. Tuy nhiên, đây là cơ sở quan trọng và cũng là tín hiệu để chúng ta có thể dự báo, giá điện sẽ tăng trong thời gian tới. Có thể giá bán lẻ điện bình quân sẽ được điều chỉnh tăng từ đầu quý II/2023, sau khi được cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Thông thường, quý II/2023 là thời điểm phù hợp nhất để tăng giá điện, song riêng với năm nay, trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tiếp cận vốn tín dụng và lãi suất còn duy trì ở mức cao, việc tăng giá điện ngay trong những tháng đầu năm có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, khiến giá thành hàng hóa tăng và người tiêu dùng cuối chịu thiệt. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng nếu buộc phải tăng giá điện sớm, có thể xem xét mức tăng thấp nhất có thể để giảm bớt phần nào áp lực cho người dân, doanh nghiệp.
Trong một hội nghị mới đây với Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc điều chỉnh giá điện phải phù hợp với nền kinh tế, thu nhập người dân, giá điện của nước ta không thể giống nước phát triển, giá quá cao thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chịu được.
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam (VBF) năm 2023, tổ chức sáng nay, 19/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh: Năm 2023 được dự báo khó khăn, thách thức lớn hơn rất nhiều, nên cần tránh tạo cú sốc về giá điện cho các ngành sản xuất cũng như đời sống của người dân.
"Chia sẻ khó khăn với các nhà máy điện gió, điện mặt trời làm xong nhưng chưa bán được điện cho EVN, nhưng giá điện vẫn đang đắt quá so với thu nhập của người lao động", Thủ tướng nói.
Thủ tướng chỉ rõ, nếu giá điện cao quá so với khu vực thì rõ ràng người dân không thể chịu được, tăng bao nhiêu, thời điểm nào thì phải phù hợp, phải tính để thị trường, doanh nghiệp dự tính nhằm ổn định sản xuất của họ.
"Không thể giá điện chỉ có 4-5 cent/KW mà mua điện mặt trời, điện gió tới hơn 8 - 9 cent/KW, cần tìm sự hài hòa về giá cả".
Như vậy, vấn đề về cung cầu phải tìm điểm hài hoà với vấn đề cải cách. "Tôi đã nhắc Bộ Công thương luôn luôn cầu thị, lắng nghe sự mất mát, thua lỗ của doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp. Quan trọng là sự chân thành, tin cậy, hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chia sẻ với vướng mắc của nhà đầu tư và thẳng thắn chỉ ra rằng có những cái nhà đầu tư làm chưa đúng. Chính sách chỉ có đến thế thôi, không kéo dài thêm được. Vì vậy, với những dự án đã đầu tư rồi, chưa thu hồi vốn được phải đàm phán với nhau, thiệt cái này thì tìm cái khác bù vào.
"Vừa qua có một số chính sách thí điểm, có cái phù hợp cái chưa phù hợp, chúng ta cần tiếp tục ngồi với nhau để có cách giải quyết phù hợp với điều kiện của mỗi bên. Cạnh tranh biểu hiện bên ngoài là giá cả, cung cầu mà bất hợp lý thì dung hòa là giá cả, nên cần đàm phán giá cả với nhau trên tinh thần không để ai thiệt thòi, cùng vượt qua khó khăn, rủi ro, tiến đến cái lâu dài", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cụ thể về chính sách của Việt Nam về năng lượng điện, theo Thủ tướng, việc lập quy hoạch điện 8 có khó khăn do sự khác nhau giữa xu thế phát triển nhiệt điện. Trong đó, quy hoạch điện 7 có khoảng 6.000 - 8.000 MW cam kết là điện than.
"Bây giờ các nhà đầu tư phải chia sẻ, cùng chúng tôi cắt điện than và đừng kiện cáo nữa. Chúng ta cùng nhau cắt điện than, cùng nhau chuyển đổi từ đầu tư điện than sang đầu tư điện gió, điện mặt trời", Thủ tướng lưu ý.
Với đầu tư điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam thời gian tới, vấn đề giá phải phù hợp, do GDP bình quân đầu người của Việt Nam có hơn 4.000 USD/năm, không thể sánh với các quốc gia đang phát triển có thu nhập 50.000 - 60.000 USD/năm.
"Tôi kêu gọi các quốc gia phát triển giúp đỡ Việt Nam để bảo đảm công bằng, công lý trong chuyển đổi năng lượng. Ví dụ như các dự án đầu tư vào Việt Nam lãi suất phải giảm đi, thời hạn cho vay phải dài hơn thì mới phù hợp với giá điện, thu nhập của người Việt Nam", Thủ tướng nêu và cho biết Việt Nam đã thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp và sẽ khuyến khích cơ chế này trong thời gian tới.