Đi tìm ‘điểm vừa’ cho giá mua - bán điện
(DNTO) - Giá điện quá cao sẽ gây áp lực cho người tiêu dùng, nhưng quá thấp sẽ không đủ sức hấp dẫn để thu hút đầu tư, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng. Câu chuyện “điểm vừa” của giá điện vì thế cần nghiên cứu rất kĩ.
Giá điện khó có cơ hội giảm
Để đảm bảo giá điện vẫn có thể thu hút đầu tư nhưng lại đảm bảo lợi ích xã hội tổng thể, Nhà nước đóng vai trò là cơ quan điều tiết quan trọng. Đây cũng là vấn đề quan trọng nhất để thu hút đầu tư vào ngành điện, khi giai đoạn 2021-2030, mỗi năm Việt Nam cần tới 14 tỷ USD vốn đầu tư để phát triển ngành điện.
Thực tế cho thấy, giá điện là điểm mấu chốt quyết định việc thu hút đầu tư cho ngành điện. Hiện nay, giá thành sản xuất điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giá than và khí tăng suốt từ đầu năm 2021 đến nay và khó có cơ hội giảm khi cuộc khủng hoảng Nga – Ukraina diễn biến phức tạp.
Do vậy, ở nhiều nước trên thế giới đã điều chỉnh tăng giá điện. Bởi giá điện bán buôn và bán lẻ là yếu tố quan trọng trong việc huy động vốn cho ngành điện. Đặc biệt là đối với các nước đang phát triển cần liên tục đầu tư thêm nguồn điện vì không quốc gia nào muốn rơi vào cảnh thiếu điện.
Tại Việt Nam, thời gian vừa qua, Chính phủ khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, với rất nhiều ưu đãi. Tuy vậy, do vẫn vướng về cơ chế, chính sách mà nhiều nhà đầu tư chưa thể có lợi nhuận, thậm chí đang gồng lỗ do không bán được điện.
Theo tính toán, để có lợi nhuận, giá mua điện với điện gió khoảng 14 cent/kWh, trong khi giá mua điện gió tại Việt Nam hiện nay là 8 cent/kWh. Vì vậy, các nhà đầu tư điện tái tạo tại Việt Nam vẫn đang bù lỗ. Tuy nhiên, nếu mua với giá 14 cent/kWh kèm theo một loạt các dịch vụ phụ trợ, như vậy giá điện đưa vào hệ thống sẽ bị đẩy lên và nền có thể chấp nhận được hay không để đảm bảo kích thích đầu tư điện sạch, điện tái tạo?
“Vậy giá bao nhiêu là hợp lý, không chỉ nhìn về góc độ cung ứng, mà còn nhìn cả phía nhu cầu. Bởi không một quốc gia nào có thể chạy theo nhu cầu, khi nhu cầu tăng liên tục. Đó là lý do Việt Nam phải có chương trình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và quản lý phụ tải. Việt Nam cũng không thể sao chép mô hình phát triển điện của các nước khác vì mỗi quốc gia có đặc thù về kinh tế, chính trị, quốc phòng, địa lý.
Đây là bài toán thực sự khó khăn, bắt buộc phải có sự tham gia của cấp cao nhất trong vấn đề định hướng, trong 5-10 hay 30 năm tới sẽ như thế nào, cơ cấu nguồn ra sao và nền kinh tế chấp nhận chi trả bao nhiêu?”, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho biết.
Chưa thể kỳ vọng thị trường điện cạnh tranh
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên tạo điều kiện phát triển thị trường điện cạnh tranh để giải tỏa bài toán về giá điện và nguồn điện.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Cao đẳng Điện lực miền Bắc, điện năng là sản phẩm đặc thù từ quá trình cung ứng và tiêu dùng, bản thân giá điện đã vô cùng phức tạp. Cùng với đó, điện năng là hàng hóa vô cùng quan trọng, huyết mạch cho nền kinh tế, vì vậy, ngay từ đầu, ngành điện có tính độc quyền liên kết dòng.
Do đó, hiện nay, giá điện áp dụng cho hộ tiêu dùng cuối cùng vẫn do nhà nước quy định và điều chỉnh. Bởi vì, cơ cấu kinh tế gồm nhiều thành phần, ở mỗi thời điểm, đất nước ưu tiên một ngành kinh tế nhất định và điều chỉnh thông qua công cụ giá.
“Vì vậy chúng ta không nên kỳ vọng quá vào một thị trường bán điện cạnh tranh hoặc phải rất lâu nữa. Bởi một thị trường bán điện cạnh tranh thì mọi người mua phải sòng phẳng với nhau. Như hiện tại, nếu cộng đủ thì chi phí cung cấp điện cho Lào Cai cao hơn rất nhiều so với Hà Nội, vậy người dân Lào Cai có sẵn sàng trả giá đúng cho chi phí đó không? Vì khi bước vào thị trường bán điện cạnh tranh thì giá là giá của thị trường”, ông Hồi cho hay.
Với tư cách là đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ bán điện cho hộ tiêu dùng cuối cùng, hiện nay, EVN cơ bản mua điện theo giá thị trường và bán điện do nhà nước quy định. Vì thế mới có câu chuyện ‘lấy miền xuôi, nuôi miền ngược”, tức có hộ sẽ phải chi trả chi phí cao hơn để thực hiện chính sách xã hội của nhà nước.
“Đâu là điểm vừa thì vô cùng khó nói. Điểm vừa đó là cơ chế điều chỉnh giá của Chính phủ, tức làm sao để cân đối tài chính trong thị trường điện, đảm bảo EVN có thể mua điện trên thị trường và vẫn cân đối được tài chính của họ và người tiêu dùng vẫn chịu được mức giá đó.
Chúng ta không phải không có cơ chế, về nguyên tắc mỗi năm điều chỉnh một lần theo Thông tư 24/2019/TT-BCT. Tuy nhiên việc này khó vô cùng vì tất cả dữ liệu phục vụ cho điều chỉnh là dữ liệu dự báo. Ví dụ dự báo tình hình nước về không đúng thì dẫn đến kịch bản về chi phí khác của ngành điện.
Có cơ chế nhưng để thực hiện cũng rất khó, chưa kể cơ chế cho tư nhân và truyền tải. Vì vậy trách nhiệm của Bộ Công thương và các bên liên quan là làm sao phải có nghiên cứu nghiêm túc để xây dựng cơ chế để có thể điều chỉnh được, chứ không phải xây dựng cơ chế mà bản thân ngành điện không dám điều chỉnh”, ông Hồi cho biết.