Giá bất động sản có ảnh hưởng khi ba luật liên quan có hiệu lực?
(DNTO) - Một câu hỏi được nhiều người quan tâm hiện nay, liệu giá bất động sản có bị ảnh hưởng khi các bộ luật: Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023 dự kiến được áp dụng vào đầu tháng 8 tới đây.
Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2023 dự kiến ban hành sớm hơn 5 tháng so với cột mốc mà Quốc hội đã thông qua trước đó, tức là ngày 1-1-2025. Nhiều điểm mới trong các luật trên như các quy định về bỏ khung giá đất, quy định mới về giao đất, cho thuê đất, chủ thể kinh doanh bất động sản... được kỳ vọng sớm thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi, đồng thời nâng hiệu quả cao nhất của nguồn lực đất đai.
Việc giá bất động sản sẽ ra sao sau khi các luật được vào áp dụng là điều được khá nhiều người quan tâm. Tại toạ đàm Pháp lý và thị trường bất động sản trong chu kỳ mới do Câu lạc bộ Bất Động Sản TP. HCM (HREC) tổ chức vào hôm nay, ngày 30/5, các chuyên gia, diễn giả đã có nhiều ý kiến đóng góp và nhận định về thị trường.
Ông Phạm Văn Võ, thành viên Hội đồng khoa học và Hội đồng Giảng huấn Viện Nghiên cứu và Đầu tư bất động sản, Đại học Luật TP.HCM phân tích, dưới góc độ pháp lý, theo ông, điều này sẽ khiến giá đất lên cao.
"Đất được đấu thầu, ai trả cao thì được giao đất. Nếu giá đầu vào tăng lên, thì giá đầu ra cũng sẽ tăng. Ngoài ra, việc người Việt định cư ở nước ngoài cũng được mua nhà như người trong nước cũng tăng nhu cầu về bất động sản trong nước", ông lý giải.
Tuy nhiên, ông Võ cũng cho biết, thị trường bất động sản vừa có yếu tố đầu vào vừa có yếu tố đầu ra. Một khi giá tăng cao, Chính phủ sẽ có sự can thiệp phù hợp.
Trong Luật Đất đai 2024 có quy định mới về bỏ khung giá đất. Việc bỏ khung giá đất, mỗi năm ban hành một lần, theo ông vẫn còn bất cập. Đơn cử như khi các đơn vị làm dự toán cho dự án đều trên cơ sở chi phí về đất đai. Nhưng nếu mỗi năm ban hành một bảng giá mới thì vô tình làm khó cho các cơ quan này.
"Các điểm mới trong ba luật trên còn mang tính khắc phục những tồn tại, hạn chế, mang giải pháp tình thế nhiều hơn là sự đột phá", ông chia sẻ quan điểm riêng của mình.
Trong khi đó, theo ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, để nhận định được biến động về giá của thị trường là một câu hỏi khó. Qua thực tế tại TP.HCM, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã thu được 20 ngàn tỷ tiền sử dụng đất, nhưng đến giai đoạn 2021-2023, con số trên chỉ còn khoảng 700 tỷ đồng. Nguyên nhân từ nhiều vấn đề như liên quan đến pháp lý, quản lý vĩ mô...
Nhà nước điều chỉnh các luật, xây dựng các nghị định mới các quy trình rõ ràng. Tuy nhiên để luật phải cao và sát với thực tế, đồng thời tránh rủi ro với nhà nước và công dân, tránh sự thay đổi lại phát sinh vấn đề là vấn đề khó.
Thực chất, luật ban hành có thông thoáng minh bạch mới tăng nguồn cung và kích thích thị trường phát triển. "Tuy nhiên cùng vấn đề, nhưng nhiều cơ quan hiểu khác nhau. Chính vì vậy việc thực thi pháp luật rất khó", ông chia sẻ quan điểm.
"Quan điểm chúng tôi thấy rằng nếu pháp lý được rõ ràng sẽ tăng nguồn cung, đồng nghĩa kéo được giá trên thị trường bất động sản", ông nhấn mạnh.
Cũng theo ông, vấn đề đáng lưu ý hiện nay với mỗi dự án không phải giá đất mà là vấn đề định giá dự án. Quy trình thẩm định giá đang vướng nhất. "Các phương pháp khác nhau sẽ ra các con số khác nhau. Định giá đất cần phải theo phương pháp tính nhanh nhất, tạo điều kiện cho người mua", đại diện Sở Xây dựng TP.HCM chia sẻ.
Dù còn nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên các diễn giả đều nhận định các yếu tố tích cực từ ba bộ luật mới, giúp rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục pháp lý, đưa thị trường hoạt động minh bạch. Đây là cơ sở tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho hàng trăm dự án bất động sản trên cả nước, qua đó giúp tăng nguồn cung cho thị trường.
Với nhiều kỳ vọng tích cực, toạ đàm do HREC tổ chức hôm nay cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản có thể nhanh chóng tận dụng được các quy định mới nắm bắt thời cơ, tạo ra các giá trị cho sự phát triển bền vững khi hành lang pháp lý mới đang dần trở nên rõ ràng.