Founder-CEO Judy Nguyễn: Giải pháp bền vững là tấm vé đưa STS vươn xa
(DNTO) - Cùng với xu hướng phát triển bền vững của ngành dệt may toàn cầu, Công ty Cổ phần Dệt May Bền Vững STS trở thành doanh nghiệp dệt may tiên phong, cam kết mang lại một tương lai xanh, bền vững và nhân văn.
Ra đời từ năm 2018, STS đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Từ giai đoạn đầu là xuất khẩu nguyên vật liệt dệt may như sợi, vải và đến hiện tại là may và xuất khẩu quần áo sang các quốc gia thế giới. Nhận thức rõ thách thức môi trường của ngành, STS chủ động chuyển đổi sang mô hình dệt may bền vững. Một trong những dự án tiêu biểu là việc sản xuất dòng sản phẩm vải tái chế từ vải rẻo công nghiệp (pre-consumer), sợi tái chế nhân tạo (recycled polyester) và sợi tự nhiên có khả năng phân hủy sinh học. Trước đây, những nguyên liệu này thường chỉ được sử dụng để sản xuất găng tay, thảm, hay giẻ lau (down-recycling). STS ứng dụng công nghệ, tạo ra những loại vải thun tái chế, vải sơ mi tái chế và sản xuất ra các sản phẩm như quần áo casual dạo phố, đồng phục công nhân viên trong nhà máy, hay áo vest đồng phục công sở (up-recycling).
Chia sẻ thêm về cơ duyên đưa STS đến với dệt may bền vững, Founder-CEO Judy Nguyễn chia sẻ: “Trong quá trình kinh doanh xuất nhập khẩu nguyên liệu dệt may, chúng tôi gặp gỡ những khách hàng châu Âu với những yêu cầu khắt khe về sản phẩm, như phải có 5% nguyên liệu tái chế, phải được may tại các nhà máy đạt chứng chỉ bảo vệ môi trường, chứng chỉ bảo vệ người lao động, chứng chỉ về năng lượng xanh... Chính những yêu cầu đó đã thôi thúc chúng tôi phải dấn thân vào con đường chuyển đổi bền vững.”
Bằng cách ứng dụng công nghệ tiên tiến và xây dựng mô hình sản xuất tuần hoàn, STS triển khai các sáng kiến nhằm phân loại vải rẻo công nghiệp ngay tại nguồn – tại các nhà máy may, xưởng may nhỏ lẻ tại nhà, cũng như tại các cụm công nghiệp và khu công nghiệp. Nhờ đó, những mảnh vải vụn không còn là rác thải mà được tái sinh thành những nguyên liệu giá trị, phục vụ cho các dòng sản phẩm bền vững của STS. Nguồn nguyên liệu bền vững này là yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển của STS, vừa giúp giảm thiểu rác thải công nghiệp, vừa tạo ra giá trị mới từ những gì tưởng chừng vô dụng. Những sợi vải được tái sinh từ rác thải công nghiệp và nhựa không chỉ là nguyên liệu sản xuất, mà còn là biểu tượng cho một chuỗi cung ứng bền vững và tuần hoàn. Đây là những giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp dệt may, như STS, đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Mặc dù khái niệm “bền vững” đang trở nên phổ biến hơn trong cộng đồng, nhưng không phải tất cả người tiêu dùng Việt Nam đều hiểu rõ ý nghĩa thực sự của nó. Nhiều người vẫn nhầm lẫn rằng bền vững đồng nghĩa với "đắt đỏ" hoặc chỉ dành cho một số ít người có thu nhập cao. Sự thiếu minh bạch về nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất và tác động môi trường của các thương hiệu cũng làm giảm niềm tin của người tiêu dùng vào những sản phẩm được quảng bá là bền vững. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho các doanh nghiệp như STS: Làm thế nào để minh bạch hóa sản phẩm, nâng cao nhận thức cộng đồng và chứng minh rằng sản phẩm bền vững không chỉ tốt cho môi trường mà còn có giá trị thiết thực cho cuộc sống của họ?
Nhìn vào các quốc gia phát triển, STS nhận thấy rằng công nghệ chính là yếu tố then chốt trong hành trình phát triển bền vững. Các nước như Đức, Nhật Bản, Thụy Điển đã chứng minh rằng việc ứng dụng công nghệ tiên tiến như AI, big data và Internet of Things (IoT) không chỉ tối ưu hóa chuỗi cung ứng mà còn giúp giảm thiểu tác động đến môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe. Lấy cảm hứng từ những thành tựu đó, STS đã bắt đầu áp dụng công nghệ hiện đại như AI và big data thông qua nền tảng VTIC (Vietnam Textile Information Center) để minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm. Giải pháp này cho phép khách hàng theo dõi toàn bộ hành trình của sản phẩm từ nguyên liệu tái chế đến thành phẩm hoàn thiện. Minh bạch không chỉ gia tăng lòng tin của khách hàng mà còn khẳng định cam kết của STS đối với phát triển bền vững.
Các số liệu cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang dần thay đổi: 96% người tiêu dùng Việt sẵn lòng chi trả thêm cho sản phẩm từ các công ty có đạo đức kinh doanh và chú trọng phát triển bền vững (PwC). 93% khách hàng sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm có yếu tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) (KPMG). 80% người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm có nguyên liệu thân thiện với môi trường (Nielsen). 74% sẵn sàng chi trả cao hơn 20% cho sản phẩm làm từ vật liệu tái chế hoặc bền vững (PwC, 2024). Tuy nhiên, khoảng cách giữa nhận thức và hành động vẫn còn. Dù sẵn sàng chi trả thêm, chỉ khoảng 12-18% người tiêu dùng tại các thành phố lớn thực sự lựa chọn sản phẩm bền vững khi mua sắm. Rào cản chính là giá cả và sự hạn chế về sự đa dạng cũng như sẵn có của sản phẩm xanh.
Các thị trường lớn như EU, Mỹ và Nhật Bản đang ngày càng ưu tiên những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn bền vững. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA và CPTPP đã mở ra cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam, với các ưu đãi thuế quan đáng kể. Tuy nhiên, đi kèm với đó là yêu cầu cao về trách nhiệm môi trường và xã hội, khiến sản xuất bền vững trở thành một lợi thế quan trọng để doanh nghiệp tiếp cận và duy trì vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trước cánh cửa của cơ hội và thách thức, STS nhận ra rằng công nghệ và bền vững là chìa khóa để tạo nên lợi thế cạnh tranh lâu dài, định hình một tương lai bền vững không chỉ cho chính mình mà còn cho ngành dệt may Việt Nam.
Nói về hành vi tiêu dùng của người Việt với sản phẩm dệt may bền vững, bà Judy Nguyễn cho biết: “Thế hệ Millennial, Gen Z và những thế hệ tiếp theo đang mang đến một luồng gió mới cho ngành dệt may. Họ không chỉ tiếp nối di sản quý báu mà còn mang trong mình tinh thần đổi mới, sáng tạo và sự nhạy bén trong việc ứng dụng công nghệ và thúc đẩy các giải pháp bền vững”.