Dệt may, đồ gỗ... vẫn tự tin trên thị trường Hoa Kỳ
(DNTO) - Dù chính sách có thể thay đổi trong thời Trump 2.0 nhưng các ngành hàng chủ lực Việt Nam vẫn tự tin có thể mở rộng xuất khẩu nhờ năng lực cạnh tranh tốt.
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023. Con số này có thể giúp Việt Nam vượt mặt Bangladesh, vươn lên vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, chỉ sau Trung Quốc.
Một số ý kiến cho rằng dệt may Việt Nam có một năm may mắn vì Bangladesh bất ổn chính trị, nhưng tình thế này sẽ không duy trì lâu vì với Bangladesh, dệt may cũng là ngành xuất khẩu chủ lực.
Đặc biệt, chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang đặt ra những thách thức mới cho thương mại với các đối tác, trong đó có Việt Nam. Một số thách thức có thể gia tăng như điều tra phòng vệ thương mại, tăng thuế, cân bằng cán cân thương mại, truy xuất nguồn gốc xuất xứ... Điều này đặt ra khó khăn cho nhiều ngành hàng chủ lực của ta vào thị trường này.
Tuy vậy, theo đại diện các hiệp hội, ngành hàng, Việt Nam vẫn có những lợi thế riêng để có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ước tính năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam đạt khoảng từ 46-47 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm khoảng 40%.
Mặc dù thời trang bền vững đang trở thành xu hướng toàn cầu, các nhãn hàng luôn yêu cầu thành phần tái chế trong sản phẩm may mặc, thời trang chiếm ít nhất 20%. Điều này cũng tạo nhiều áp lực cho doanh nghiệp dệt may. Tuy nhiên, chiến lược phát triển của ngành dệt may Việt Nam đã đặt mục tiêu từ năm 2030- 2035 là phải xây dựng thành công phải xây dựng thành công ngành dệt may Việt Nam phát triển hiệu quả và định hướng mô hình kinh tế tuần hoàn. Nói đến kinh tế tuần hoàn, sản phẩm tái chế trong lĩnh vực thời trang phải là mục tiêu hàng đầu.
“Thực ra thị trường Hoa Kỳ lâu nay vẫn là thế mạnh của dệt may Việt Nam, thị phần luôn đứng thứ 2, thậm chí có thời điểm đứng thứ nhất. Đối với Bangladesh và Ấn Độ, chúng tôi không lo lắng nhiều vì chúng tôi có thế mạnh riêng của mình. Đặc biệt chúng tôi có đội ngũ người lao động với tay nghề chuyên nghiệp, những sản phẩm họ làm ra đều là những sản phẩm chất lượng cao. Với các nhãn hàng, để đặt hàng những sản phẩm chất lượng cao thì họ luôn chọn Việt Nam”, bà Mai nhấn mạnh.
Một sản phẩm thế mạnh khác của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 16,2 tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ. Trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, đạt gần 9 tỷ USD.
Dù có nhiều lo ngại cho rằng ngành gỗ sẽ gặp thách thức khi chính quyền ông Trump tăng điều tra phòng vệ thương mại và truy xuất nguồn gốc, nhưng đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam vẫn tự tin cho rằng xuất khẩu gỗ sang thị trường Hoa Kỳ cũng sẽ ổn định và sẽ tăng trưởng.
Vị này đặt hy vọng rằng ngành gỗ sẽ đạt được mục tiêu là 20 tỉ USD trong năm 2025. Lý do là hiện nay tất cả các doanh nghiệp mà xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ cũng như Châu Âu đều đảm bảo tuân thủ tính minh bạch và tất cả những sản phẩm gỗ xuất khẩu đều là hợp pháp.
“Đối với chúng tôi đó không phải là yêu cầu quá mới và quá khó, nhất là trong bối cảnh đa số doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ động nguồn nguyên liệu chủ yếu của mình, tức khoảng 75 % là gỗ rừng trồng tại Việt Nam, 25 % nhập khẩu. Với các cái chính sách của Việt Nam như chống phá rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng để đảm bảo nguồn gỗ đủ lớn phục vụ cho sản xuất, tôi nghĩ rằng việc truy xuất nguồn gốc không phải là rào cản cho việc phát triển của ngành gỗ trong năm 2025”, đại diện Hiệp hội cho biết.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết với nền tảng quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, doanh nghiệp TP.HCM và các cái doanh nghiệp của Hoa Kỳ đang ngày càng có nhiều cơ hội để hợp tác trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Vì vậy cần chuẩn bị nguồn lực, năng lực sản xuất với quy mô lớn hơn, với những yêu cầu về chất lượng sản phẩm phẩm và hàng hóa cao hơn, đảm bảo các cái tiêu chuẩn của các bên.
“Chúng tôi nhìn thấy cơ hội rất lớn từ nhiều ngành và đặc biệt trong những tháng gần đây việc đẩy mạnh cái hoạt động xuất khẩu từ thị trường may mặc và giày da của doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp TP.HCM vào thị trường Hoa Kỳ là một trong những cái minh chứng cho cái sự nỗ lực trong cái đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản xuất, cái sản phẩm thâm nhập vào thị trường”, ông Vũ nói.