Facebook nhận bằng sáng chế đầu robot có nhãn cầu thật như mắt người
(DNTO) - Cùng với cơ thể và đầu máy được bao phủ trong một khuôn tựa da người, Facebook cũng đã thiết kế một nhãn cầu cơ học giống hệt như mắt con người.
Điều ít ai ngờ là trong thời gian gần đây, Facebook lại được chính phủ phê duyệt hàng trăm bằng sáng chế. Một trong số chúng là cặp nhãn cầu cơ học được thiết kế tinh xảo đến nỗi trông giống hệt mắt người. Phần thiết bị điện tử đặc biệt này đã được tích hợp với đầu và cơ thể người một cách hoàn hảo đến nỗi trông như “mắt” thật.
Vài năm nay, Facebook đã dấn thân khá sâu vào lĩnh vực chế tạo người máy, nhưng với bằng sáng chế mới được cấp cho nhãn cầu cơ học đã cho thấy, tham vọng của ông khổng lồ công nghệ này chưa có giới hạn. Trong hồ sơ xin cấp bằng sáng chế được Facebook nộp vào tháng 12 năm ngoái, công ty đã nêu chi tiết thiết kế của sản phẩm "hiệu suất cao và thực tế" của mình, mô phỏng khả năng theo dõi chuyển động mắt người một cách chính xác của thiết bị điện tử này.
Kỹ thuật theo dõi chuyển động mắt của một người, cả về hướng nhìn lẫn thời gian tập trung vào màn hình, từ lâu đã được sử dụng trong quảng cáo kỹ thuật số hầu tìm hiểu liệu một người có liếc nhìn vào chương trình quảng cáo đang được phát hay không và độ chú tâm, nếu có, kéo dài bao lâu. Tuy nhiên giờ đây, qua đánh giá từ những bằng sáng chế của Facebook, quy trình theo dõi bằng mắt còn được sử dụng để xây dựng các ứng dụng AR và VR của công ty. Như thế hình ảnh và trải nghiệm 3D càng được hiển thị nhanh hơn trong vũ trụ ảo metaverse mà Facebook đề xướng, trong đó phần đầu hoạt hình sẽ học cách để bắt chước chính xác các chuyển động của mắt, một thử nghiệm thú vị mà dự án mang lại.
Facebook, nay với tên mới là Meta, giờ đây đã khá công khai những khám phá về lĩnh vực robot. Công ty cũng đã có riêng cả một trang web về bộ phận AI, cũng như nghiên cứu chuyên biệt về những cảm biến xúc giác, đồng thời giới thiệu cả các công cụ dành cho nhà phát triển mở. Tuy nhiên, riêng trong hồ sơ đăng ký bằng sáng chế nhãn cầu, người ta thấy tính thẩm mỹ và ứng dụng thực tiễn vượt xa các thử nghiệm rô- bốt mà công ty đã trình diễn và được cấp bằng sáng chế trước đó. Bằng sáng chế về nhãn cầu này đề cập cả tính “như thật” của sản phẩm, từ phối hợp với cử động miệng và cả lông mày. Chưa hết, nhãn cầu được bao phủ trong một khuôn được mô tả là "giống y hệt da người."
Vào tháng 11 năm ngoái, theo nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg, công ty đã thiết kế một cảm biến mới và làm việc với các nhà nghiên cứu của Carnegie Mellon nhắm đến tham vọng sáng tạo một làn da robot đủ nhạy với các cảm ứng hữu ích khi tiếp xúc với các vật thể ảo thực tế và các tương tác vật lý trong metaverse. Riêng thiết kế bộ phận mắt, sẽ không chỉ đơn giản là một quả cầu kim loại chuyển động qua lại trên trục, mà còn trông rất giống như mắt thật ở người, tức là cả đồng tử lẫn mống mắt đều có màu sắc đặc trưng.
Thực ra, suốt một thời gian dài Zuckerberg đã không mặn mà lắm với mảng lĩnh vực Robotics. Nhưng sau một vài năm, với công ty này, robot đã trở thành phương cách được Facebook sử dụng rộng rãi để nghiên cứu AI. Lộ trình đầy đủ vạch ra của họ là nhận thức, lý luận, lập kế hoạch và hành động rồi chờ đợi sự phản hồi từ môi trường để hoàn thiện sản phẩm. Với Facebook, đây chính là cốt lõi của các mối liên hệ vật lẫn sinh lý mà những người trong lĩnh vực nghiên cứu AI đang cố gắng vươn tới.