Du lịch thực tế ảo - Giải pháp công nghệ mới kết hợp VR, AR
(DNTO) - Du lịch thời số hóa – Ứng dụng các thiết bị công nghệ thực tế ảo hay công nghệ thực tế tăng cường vào lĩnh vực du lịch được xem là xu hướng chung của xã hội trong kỷ nguyên số, được xem là hướng đi tất yếu để bắt kịp sự phát triển của ngành trong khu vực và thế giới.
Điểm vượt trội của du lịch thực tế ảo
Số hóa là bước đầu tiên để xây dựng mô hình du lịch thực tế ảo, các địa danh sẽ được mô hình hóa 3D. Tiếp theo là đưa mô hình 3D đó vào môi trường kính thực tế ảo hoặc thực tế tăng cường. Thông qua kính VR hoặc thiết bị AR để người dùng trải nghiệm một cách toàn diện địa điểm đó.
Một nền tảng mới website 3D để quảng bá du lịch trong thời đại mới, đưa các địa danh đã số hóa 3D để đa dạng các tùy chọn cho khách hàng. Người dùng có thể đi lại, tham quan, tương tác với địa danh đó trong môi trường 3D cực kỳ hấp dẫn, mang lại trải nghiệm chân thực.
Với sự vận động không ngừng nghỉ của thế giới, con người ngày càng bị bó hẹp trong không gian làm việc, quay cuồng với những lo toan, trách nhiệm cuộc sống. Nhu cầu được trải nghiệm, du lịch khám phá để giảm bớt những căng thẳng trong khoảng thời gian cho phép đang rất thu hút và ngày càng gia tăng. Ứng dụng công nghệ mới là một đòn bẩy tạo ra lợi thế cạnh tranh, sự khác biệt và nâng cao hiệu quả nhanh nhất.
Thực tế ảo VR, thực tế tăng cường AR hội tụ tất cả yếu tố nhằm đổi mới ngành du lịch. Du lịch ảo là phần quan trọng làm nên du lịch 4.0, nó đổi mới một cách toàn diện trong cách thực hiện. Kết nối khách hàng với công ty du lịch, quảng bá, trải nghiệm người dùng, đặt tour, thanh toán online và thậm chí có thể sử dụng tiền điện tử làm phương thức thanh toán.
Điển hình như sự thành công của EI Salvador kể từ khi áp dụng Luật Bitcoin, công nhận Bitcoin như một loại tiền tệ hợp pháp trong nước, quốc gia này đã đạt được một số thành tựu đáng kể tới như: du lịch tăng trưởng 30% trong tháng 11 và 12 năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng hơn 10,3%... đây là những con số không hề nhỏ đối với một quốc gia, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 hiện nay.
Cách mạng số ngành du lịch: Những bài toán khó của chuyển đổi số
Chuyển đổi số ngành du lịch Việt Nam còn nhiều rào cản do nền tảng chất lượng nguồn nhân lực không đồng đều, trình độ quản lý thấp, ứng dụng các tiến bộ công nghệ số hóa chưa đầy đủ.
Chủ đề "Cách mạng số ngành du lịch" cập nhật thông tin từ nhiều báo cáo, ghi nhận ý kiến chuyên gia về bức tranh ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh hiện tại. Đề cập một số khó khăn trong chuyển đổi số ngành du lịch trong nước, nhằm giúp doanh nghiệp có thể đưa ra nhiều giải pháp cho mình như:
- Hạn chế về tài chính.
- Chất lượng nguồn nhân lực, cách thức tổ chức và quản lý, cơ chế hợp tác trong ngành.
- Hạn chế trong chính sách tiếp cận du khách, tiếp cận tiến bộ của công nghệ thông tin.
Có thể nói, muốn chuyển đổi số bắt kịp sự phát triển của thị trường cần có cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong chiến lược chuyển đổi số du lịch. Sản phẩm du lịch phải được hợp thành bởi một chuỗi cung ứng dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng... cho tới khu vui chơi giải trí, điểm tham quan...
Do đó, việc số hóa dữ liệu du lịch yêu cầu tính đồng bộ, chặt chẽ và lâu dài của nhiều thành phần dựa trên nền tảng công nghệ mạnh, cũng như thống nhất.