Dòng tiền bất động sản nửa cuối năm: Xu hướng lướt sóng không còn dễ ăn
(DNTO) - Dù được đánh giá là kênh đầu tư ưa chuộng, song theo các chuyên gia, những khó khăn về nguồn vốn đầu tư, quỹ đất hạn chế, đặc biệt là việc các ngân hàng kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản cho thấy thời gian còn lại của năm 2022 không thuận lợi cho việc nhà đầu tư nhỏ lẻ lướt sóng.
Đánh giá về tiềm năng của các kênh đầu tư trong thời điểm hiện nay, giới chuyên gia có chung nhận định, khi lạm phát tăng cao, vàng sẽ là kênh nóng sốt hơn vì nhiều người có thể mua được. Nhưng xét về yếu tố dài hạn và an toàn thì bất động sản mới là lựa chọn của những cá nhân đang sở hữu dòng tiền lớn cần tìm một bến đỗ an tâm.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhìn nhận, bất động sản vẫn là kênh đầu tư hàng đầu được giới đầu tư ưa chuộng, bởi trong đầu tư, an toàn vốn là chỉ tiêu tối thượng. Bên cạnh đó, sự khan hiếm nguồn cung sẽ tác động mạnh đến sự hồi phục của thị trường do nhu cầu của người mua vẫn rất lớn.
Kết quả cuộc khảo sát về danh mục đầu tư do Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (Dat Xanh Services) thực hiện mới đây cũng cho thấy, có đến 64% người được khảo sát lựa chọn bất động sản là loại tài sản ưu tiên đầu tư trong năm 2022; 14,7% người lựa chọn đầu tư vào chứng khoán; 7,3% người đầu tư vào tiền điện tử; 3,7% người gửi tiết kiệm và mua vàng. Các loại hình khác chiếm 1,8%.
Dù được đánh giá là kênh đầu tư ưa chuộng, song theo các chuyên gia, thị trường bất động sản nửa cuối năm 2022 đối mặt với không ít khó khăn về nguồn vốn đầu tư, quỹ đất hạn chế, đặc biệt là việc các ngân hàng kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản.
Diễn biến thị trường cho thấy thời gian còn lại của năm 2022 rõ ràng không phải là năm thuận lợi của lướt sóng bất động sản.
Nguyên nhân khiến nhóm nhà đầu tư này “lặn sóng” thị trường được cho là do thanh khoản của các loại hình bất động sản có dấu hiệu xuống thấp. Khi thời gian mua vào và bán ra ngày càng kéo dài hơn trước gấp nhiều lần, nhóm nhà đầu tư mua nhanh bán vội này "không còn sóng để lướt".
Cùng với đó là những động thái siết chặt thị trường từ cơ quan chức năng, địa phương, đặc biệt là việc nhiều ngân hàng đồng loạt “phanh” tín dụng rót vào địa ốc, thuế chuyển nhượng bị kiểm soát chặt, đang góp phần làm chùn tay thao túng của giới đầu cơ, giảm thiểu mua đứt bán đoạn.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ Batdongsan.com.vn cho rằng, nhìn bức tranh chân dung người muốn mua bất động sản, với nhóm thu nhập từ 20 triệu trở lên thường sẽ sở hữu 1 bất động sản, còn nhóm thu nhập cao từ 70 triệu đồng trở lên cũng có xu hướng sở hữu từ 2 bất động sản trở lên.
“Dòng tiền thời gian tới sẽ có sự chọn lọc gắt gao hơn, xu hướng lướt sóng không còn phù hợp nên nhu cầu sẽ nghiêng về các sản phẩm đáp ứng tiêu chí đầu tư dài hạn”, ông Quốc Anh cho hay.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho hay, trước khi quyết định xuống tiền vào một dự án hay khu đất nào đó, nhà đầu tư cần xác định, sản phẩm trong khu vực đó còn lý do, động lực để tăng giá tiếp hay không?
Trong 2-3 năm qua, đa phần nhà đầu tư đều mua bất động sản theo thông tin quy hoạch, dự án, nhưng hiện nay, những thông tin đó bị các đội đầu cơ làm sóng, thổi giá, do đó nhà đầu tư cần tìm hiểu tại khu vực, vị trí đấy có tiếp tục được triển khai xây dựng hạ tầng không. Chỉ khi được triển khai, giá bất động sản mới có lý do tăng giá.
“Thị trường bất động sản đã qua giai đoạn sôi động nhất, thời gian nhà nhà đổ xô đi mua bất động sản để mong lãi lớn đã qua, việc lướt sóng sẽ không còn dễ dàng như trước. Vì vậy, đầu tư bất động sản hiện nay cần tính dài hơn, để dự phòng rủi ro, tránh kỳ vọng ngắn không xoay kịp”, ông Đính nhìn nhận.
Cơ hội cho người mua có nhu cầu thật?
Trong bối cảnh sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư không còn dễ ăn, chỉ những chủ đầu tư thật sự có nguồn lực về tài chính và phát triển bền vững thì họ sẽ tiếp tục tồn tại trên thị trường. Trong khi, chủ đầu tư phụ thuộc vào vốn vay và không có quy trình phát triển bền vững thì sẽ gặp nhiều khó khăn.
Song, về khía cạnh người mua nhà có nhu cầu thực sẽ đến gần với cơ hội sở hữu nhà hơn.
“Tuy nhiên, chủ đầu tư phải đối mặt với việc chi phí sử dụng đất và giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng. Điều này cũng là một khó khăn cho chủ đầu tư và tác động đến giá bán cuối cùng của sản phẩm. Vì vậy, phân khúc nhà ở bình dân hay xã hội vẫn là một cánh cửa cho các chủ đầu tư có thể tham gia vào và góp phần cho sự phát triển của xã hội”, các chuyên gia khuyến nghị.
Trong khi đó, nêu quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, không đặt vấn đề là siết tín dụng bất động sản mà phải đặt vấn đề bất động sản là một lĩnh vực rủi ro, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, giá bất động sản biến động rất lớn, quá cao so với thu nhập của người dân. Vì vậy, đầu tư trong lĩnh vực bất động sản hết sức rủi ro.
“Đơn cử, trước đây giá 100 triệu đồng/m2 và ngân hàng cho vay 50% giá trị tài sản đảm bảo, tức cho vay 50 triệu đồng, nhưng giá thời điểm hiện nay có thể lên đến 300 triệu đồng. Như vậy, vẫn tài sản đấy mà ngân hàng cho vay 150 triệu đồng. Nếu không phải là giá trị thật, khi có sự biến động khiến giá bất động sản giảm xuống thì rủi ro rất lớn.
Do đó, không đặt vấn đề siết tín dụng bất động sản, nhưng các tổ chức tín dụng phải xem xét những dự án nào hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng để đảm bảo an toàn hệ thống và có thể thu hồi được gốc và lãi”, ông Hùng nhấn mạnh.