Đơn hàng ồ ạt về Việt Nam nhưng nhiều doanh nghiệp không làm được
(DNTO) - Thiếu nhân lực chất lượng cao, thiếu liên kết trong ngành khiến nhiều doanh nghiệp nội địa không thể hoàn thành các đơn hàng từ đối tác.
Những cơ hội đến và đi
Trong tọa đàm “Xúc tiến thương mại cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo” hôm 24/10, ông Cao Văn Hùng, Giám đốc Phát triển thị trường Quốc tế Công ty CP Cơ khí chính xác Smart Việt Nam chia sẻ năm vừa qua, trước hướng chuyển dịch sản xuất mạnh mẽ của các quốc gia Mỹ, Anh, Úc, doanh nghiệp này cũng có thêm nhiều đơn hàng. Doanh số bán hàng tính đến hết tháng 9 năm nay đã tăng 178% và dự báo tăng 230% đến cuối năm nay.
Xu thế này cho thấy các đơn hàng đang đổ về Việt Nam rất nhiều. Nhưng các doanh nghiệp như công ty Cơ khí chính xác Smart Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn.
Đầu tiên là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Các nhân lực trong nước hiện nay đã nâng cao tay nghề nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của nền sản xuất hiện đại.
Chưa kể, việc liên minh liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa còn kém. Ông Hùng cho biết, khi có các đơn hàng gia công, đối tác thường yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng. Doanh nghiệp đã tính đến kết hợp với các doanh nghiệp khác để cùng thực hiện đơn hàng. Tuy nhiên, trong nước chưa nhiều đơn vị có đủ năng lực sản xuất.
“Đối tác rất muốn đặt hàng sản xuất từ Việt Nam. Nhưng rõ ràng mình có cơ hội nhưng lại vuột mất cơ hội vì tiêu chuẩn của chúng ta chưa đáp ứng được”, ông Hùng nói.
Thực tế, ông Chu Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận rất nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không đủ tiềm lực đầu tư vào nghiên cứu phát triển sản phẩm hay đổi mới công nghệ. Trong khi đó, doanh nghiệp khó khăn khi liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành.
Ví dụ khi không tìm được đối tác cung ứng nguyên liệu, linh kiện đủ chất lượng trong nước, họ buộc phải nhập khẩu, làm gia tăng chi phí và khó chủ động trong sản xuất. Hay họ không thể chia sẻ nguồn lực với nhau cũng làm giảm khả năng sản xuất. Điều này dẫn tới doanh nghiệp mất đi cơ hội tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế.
Thay đổi tư duy về hỗ trợ
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp Hội Da - giầy - Túi xách Việt Nam, cho biết trước đây, có quan điểm cho rằng các ngành gia công xuất khẩu không cần thiết phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Nhưng thực tế, kể cả doanh nghiệp nhỏ khi tham gia xúc tiến thương mại ở nước ngoài cũng là hình ảnh đại diện cho cả ngành công nghiệp của nước đó, thu hút khách hàng. Chúng ta đã gia công thành công cho nhiều hãng lớn, đây là yếu tố thu hút nhiều thương hiệu khác đến với Việt Nam. Đây là vai trò của xúc tiến thương mại.
“Hoạt động xúc tiến thương mại không chỉ nhắm đến thị trường nước ngoài mà còn kết nối các nhà cung ứng, sản xuất trong nước có thể sử dụng sản phẩm ngay trong các buổi xúc tiến đó”, bà Xuân nói.
Bổ sung thêm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng bên cạnh xúc tiến thương mại cần song song thực hiện xúc tiến đầu tư. Nếu có nhà đầu tư tốt vào Việt Nam hay có nguồn đầu tư tốt từ Việt Nam ra nước ngoài thì sẽ có cơ hội mở rộng chuỗi cung ứng và xuất nhập khẩu.
“Bộ Công thương nên mạnh dạn đầu tư thêm nguồn lực (tài chính, nhân lực) để hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là khoản đầu tư cho phát triển chứ không phải khoản đầu tư tiêu tốn. Vì một cán bộ ra bên ngoài hoạt động hiệu quả, mang về hợp đồng lớn, đối tác lớn thì đó là một cơ hội lớn cho cả một ngành, một đất nước. Đây là đầu tư 1 vốn 4 lời”, ông Phong nêu quan điểm.
Đặc biệt, với vai trò đơn vị quản lý ngành, vị chuyên gia cho rằng Bộ Công thương nên phối hợp cùng bộ ngành khác xây dựng hệ thống Big Data (dữ liệu lớn) để hỗ trợ cho việc xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư. Chúng ta mới đang tập trung hoàn thành dữ liệu về dân cư của Bộ Công an, mà thiếu hẳn dữ liệu các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, xúc tiến thương mại, khiến doanh nghiệp khi muốn liên doanh, liên kết.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển Công nghiệp cho biết trung tâm này đã được đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại. Các doanh nghiệp có thể đến và sản xuất thử nghiệm, tránh việc đầu tư máy móc sớm nhưng không hiệu quả. Vị này khuyến nghị các doanh nghiệp cũng nên thường xuyên cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo của Bộ Công thương và Cục Công nghiệp tổ chức, nhằm nâng cao tay nghề kĩ thuật viên và trình độ quản lý sản xuất cho lãnh đạo.