Doanh nghiệp than trời vì bị văn bản kém chất lượng 'hành'
(DNTO) - Phổ biến hiện nay là tình trạng công văn trả lời nội dung về việc áp dụng pháp luật của doanh nghiệp không đi thẳng vào vấn đề mà trích dẫn các quy định pháp luật, khiến doanh nghiệp "muốn hiểu ra sao thì hiểu". Nhiều công văn khi nhận được, doanh nghiệp không biết áp dụng thế nào.
Doanh nghiệp gửi công văn 10 năm vẫn chưa có câu trả lời
Mới đây, tại Hội thảo “Chất lượng của thông tư và công văn: Góc nhìn từ doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận xét, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền của thông tư rất thấp, nhưng thực tế ngược lại. Có thông tư chưa thống nhất với nghị định hoặc quy định thiếu rõ ràng, tạo cách hiểu không nhất quán và ách tắc trong thực thi pháp luật, thậm chí thông tư còn "to hơn cả luật".
Cũng theo ông Tuấn, vẫn còn tình trạng thông tư ban hành điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính mà không được Luật, Pháp lệnh giao hay thông tư không thống nhất với nghị định. Ngoài ra, còn có tình trạng thông tư quy định thiếu rõ ràng, tạo cách hiểu không nhất quán giữa các cơ quan áp dụng.
Ông Tuấn lấy ví dụ, Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông tư này đưa ra định nghĩa về giáo viên của trung tâm ngoại ngữ, trong đó có sử dụng khái niệm “người bản ngữ” nhưng không có quy định rõ về quốc tịch người bản ngữ. Do đó, doanh nghiệp, các trung tâm ngoại ngữ nộp hồ sơ xin giấy phép lao động của giáo viên nước ngoài gặp nhiều khó khăn, gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp trong việc thực thi các thủ tục hành chính. Những hạn chế này vô hình trung làm suy giảm tính hiệu quả trong các “chiến dịch” cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang theo đuổi.
Không riêng các thông tư, ngay với công văn của bộ, ngành không phải là văn bản quy phạm pháp luật cũng mang nội dung, tính chất như quy định.
Phổ biến hiện nay là tình trạng công văn trả lời nội dung về việc áp dụng pháp luật của doanh nghiệp không đi thẳng vào vấn đề mà trích dẫn các quy định pháp luật, khiến doanh nghiệp "muốn hiểu ra sao thì hiểu".
Việc này khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng "dở khóc dở cười" khi công văn trả lời các nội dung về việc áp dụng pháp luật của doanh nghiệp không đi thẳng vào vấn đề, chỉ trích dẫn các quy định pháp luật để doanh nghiệp tự hiểu và áp dụng. Thời hạn trả lời rất lâu. Đáng nói hơn là có tình trạng cơ quan quản lý không trả lời doanh nghiệp.
"Chúng tôi nhận được phản ánh của doanh nghiệp rằng, họ gửi nhiều công văn yêu cầu đến Bộ nhưng tận 10 năm vẫn chưa có câu trả lời, tạo sự tắc nghẽn, đình trệ trên thực tế, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp", ông Tuấn chia sẻ.
Bà Trần Ngọc Anh thuộc Công ty Abbott cho hay: Cơ quan ban hành văn bản này cần tham vấn ý kiến cộng đồng doanh nghiệp để nâng cao hiệu lực chính sách. Doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhưng lại không được tham gia góp ý, do đó khi văn bản ban hành, doanh nghiệp không biết áp dụng. Doanh nghiệp làm công văn hỏi nhưng không nhận được câu trả lời. Doanh nghiệp chỉ biết ngồi chờ vì không biết làm thế nào cho đúng. Điều đó cản trở rất nhiều, khiến doanh nghiệp cũng mất đi nhiều cơ hội…
Văn bản kém chất lượng “hành” doanh nghiệp
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, VCCI nhận được khá nhiều văn bản doanh nghiệp phản ánh tình trạng doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn từ công văn của cơ quan quản lý, nhưng sau này một số cơ quan quản lý tới kiểm tra, thanh tra lại... phạt doanh nghiệp.
Dẫn chứng về những văn bản làm khó cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), cho biết: Thông tư 40 của Bộ Tài chính (có hiệu lực từ 1/8 tới, hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý thuế với hộ kinh doanh), đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều gần đây. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, lẽ ra nên khuyến khích thương mại điện tử phát triển thì ngành thuế lại có xu hướng muốn quản, muốn thu nhiều hơn thay vì tạo sân chơi tốt hơn, hiệu quả hơn cho cả người dân và doanh nghiệp.
“Nguyên nhân nằm ở tư duy quản lý. Chúng ta vẫn đang quản lý bằng công cụ mà quản lý Nhà nước có chứ không vì sự phát triển của doanh nghiệp”, bà Thảo nói.
Đồng tình với vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử cho biết, tác động của Thông tư 40 rất rộng, liên quan nhiều bên, không riêng ban quản trị sàn. Ông Dũng phân tích, sàn thương mại điện tử có sự tham gia của các công ty đa quốc gia, xuyên biên giới, và các hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương, có sự chệnh lệch giữa các thành phần. "Một số quốc gia tiên tiến quy định khai thuế tự động, công khai, cá nhân tự chấp hành. Còn ở Việt Nam, người kinh doanh không biết phải làm gì", ông Dũng nêu.
Cũng liên quan đến câu chuyện công văn hành doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn dẫn chứng công văn 8909 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, hướng dẫn một số thủ tục về đầu tư, trong khi Nghị định 31 hướng dẫn Luật Đầu tư chưa được ban hành là "có vấn đề" về thẩm quyền, khiến một số địa phương lo ngại khi thực hiện gặp khó khăn, tạo hệ lụy lớn về mặt pháp lý, gây thiệt hại và rủi ro cho doanh nghiệp.
Để hạn chế những văn bản kém chất lượng, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất, cần nâng cao và phát huy vai trò của cơ quan "gác cửa" chất lượng thông tư. Theo đó, gắn trách nhiệm cá nhân với những thông tư có vấn đề, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế.