Doanh nghiệp sản xuất đang lội ngược dòng
(DNTO) - Nửa năm đã qua đi, nhiều doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với những khó khăn trước nền kinh tế có độ mở lớn, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm do sự thắt chặt chi tiêu của người dân, đồng thời áp lực thu hẹp thị phần trước những thương hiệu mới xuất hiện. Các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp để tiếp tục trụ vững và lội ngược dòng khó khăn.
Tại Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một Thành viên (SATRA), ngoài việc đầu tư mạnh mẽ để phát triển mạng lưới cửa hàng, Tổng Công ty đặt ra mục tiêu sống còn cho hệ thống bán lẻ là nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ thông qua các doanh nghiệp sản xuất là đơn vị thành viên của SATRA, trong đó có Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (COFIDEC) và Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN).
Chiến lược giữ chân khách hàng hiện tại và thu hút thêm khách hàng mới
Thị trường chính của Cofidec là Nhật Bản (chiếm tỉ lệ trên 80% KNXK) và thứ 2 là Hàn Quốc (chiếm 10%) đang bị ảnh hưởng lớn do sự tăng trưởng kinh tế chậm lại, tỉ giá đồng Yên và đồng Won suy yếu liên tiếp, các nhà máy sản xuất của Việt Nam tại các nước này cạnh tranh gay gắt về thị phần với những cuộc đua giảm giá sâu, khiến đơn hàng xuất khẩu của công ty vào thị trường hai nước này có xu hướng giảm.
Ở thị trường nội địa, Cofidec cũng gặp sự cạnh tranh không nhỏ của các nhà sản xuất khác, với nhiều sản phẩm, giá thành thấp. Mặt khác do thói quen tiêu dùng của người Việt Nam chưa quen với các sản phẩm đông lạnh, hàng đã qua sơ chế. Giá bán sản phẩm nội địa của công ty hơi cao so với mức thu nhập bình quân của người dân nên chưa thâm nhập được nhiều vào các siêu thị, bên cạnh đó các mặt hàng thiết yếu, thức ăn nhanh chưa được đa dạng.
Để tìm ra bài toán khắc phục khó khăn ngay tại thị trường trong nước, Cofidec đã nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, cải tiến, in ấn mẫu mã bao bì mới, đưa sản phẩm ra thị trường, đặc biệt tại hệ thống siêu thị lớn và bán lẻ của Satra. Đồng thời tăng cường thêm các chương trình sampling, tham gia các hội chợ nhằm nâng cao nhận diện hình ảnh, thương hiệu Cofidec Foods, góp phần tăng doanh thu. Ước tính doanh thu 6 tháng đầu năm của công ty đạt hơn 50% kế hoạch năm 2024; Kim ngạch xuất khẩu cũng đạt hơn 50% kế hoạch.
Cofidec cũng đưa ra giải pháp ngắn hạn trong ngành sản xuất của Công ty, đó là áp dụng công nghệ mới để tăng năng suất lao động, cải thiện chuỗi cung ứng, tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh; tăng cường công tác quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất và dịch vụ. Đây được coi là biện pháp hiệu quả để giữ chân khách hàng hiện tại và thu hút thêm khách hàng mới. Công ty cũng tiếp tục duy trì chi phí cho việc tiếp thị và bán hàng; duy trì công tác nước ngoài định kỳ hàng năm để tiếp thị đơn hàng mới với khách hàng truyền thống.
Ngoài ra, Công ty còn phát triển thêm mặt hàng mới, đầu tư hệ thống máy nướng mới để kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triền mặt hàng và khách hàng; giảm giá cho các khách hàng truyền thống của Công ty trong giai đoạn 2023-2025…
Trước sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ và thị trường, doanh nghiệp cần phải linh hoạt và nhanh chóng thích ứng theo sự thay đổi đó. Thị trường tương lai dự báo sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bền vững và an toàn.
Không những thế, tác động mới của ngành sản xuất thực phẩm có xu hướng tăng cường sự minh bạch trong chuỗi cung ứng và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất chú trọng vào sự uy tín của sản phẩm như Cofidec và Vissan.
Tìm cách giảm giá thành nhưng nâng cao chất lượng sản phẩm
Là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực hoạt động chuyên về sản xuất kinh doanh thịt tươi sống tại phía Nam, Vissan hiện là đơn vị thành viên hoạt động hiệu quả của SATRA.
Trong thời gian qua, nhờ sự chủ động bám sát tình hình thị trường, duy trì và tổ chức tốt hoạt động sản xuất kinh doanh; mở mới hàng trăm điểm bán hàng qua kênh bán hàng truyền thống (kênh MT) và kênh phân phối sản phẩm thường được sử dụng chủ yếu trong các nhà hàng, khách sạn (kênh Horeca); tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, phục vụ tốt người tiêu dùng và tham gia tốt nhiệm vụ bình ổn thị trường thành phố.
Vissan luôn giữ ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong bối cảnh nguồn nguyên liệu đầu vào ngoài thị trường có nhiều biến động. Thực hiện tốt quy trình chăn nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, đặc biệt là công tác phòng dịch bệnh trên đàn heo tại Xí nghiệp chăn nuôi Vissan Bình Thuận trong bối cảnh dịch Tả heo châu Phi, dịch heo tai xanh diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại nhiều khu vực.
Công ty cũng luôn đảm bảo nguồn cung heo hơi về số lượng, chất lượng và giá cả cạnh tranh. Đàm phán với nhà cung cấp về nguyên liệu, hương phụ liệu, bao bì nhằm ổn định giá cả và đảm bảo sản lượng.
Để đạt kết quả cao nhất kết quả sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm, Vissan sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu heo hơi theo hướng Feed - Farm - Food thông qua đẩy nhanh công tác đầu tư dự án trại heo mới Bình Dương với quy mô tổng đàn có mặt thường xuyên khoảng 32.000 con; tiếp tục xây dựng các liên kết, hợp tác về nguồn nguyên liệu heo hơi với các đơn vị chăn nuôi lớn nhằm đảm bảo nguồn heo hơi ổn định, kiểm soát chất lượng và giá cả cạnh tranh trong dài hạn; đẩy mạnh thực hiện kích cầu mua sắm, tăng sản lượng bán ra thông qua các chương trình hỗ trợ bán hàng trọng điểm; mở rộng mạng lưới phân phối, tìm kiếm thêm khách hàng là các đơn vị sản xuất chế biến kênh B2B, khách hàng trường học, nhà hàng, khách sạn kênh Horeca… nhằm tăng sản lượng bán ra.
Đối với các sản phẩm chế biến, Công ty tập trung nghiên cứu cải tiến sản phẩm về mùi vị, hương vị, bao bì phù hợp với khẩu vị vùng miền, thị hiếu và văn hóa tiêu dùng, tăng giá trị cảm quan, không làm giảm chất lượng sản phẩm nhưng giảm giá thành sản xuất, trong đó tập trung vào dòng sản phẩm có sản lượng lớn như xúc xích, đồ hộp.
Đối với hoạt động xuất khẩu, Vissan sẽ tiếp tục duy trì các thị trường xuất khẩu hiện hữu (Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Úc…) và chú trọng tìm kiếm thêm khách hàng mới, phát triển thị trường tại Úc và New Zealand để gia tăng cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu tại châu Úc.