COFIDEC: Nâng chất sản phẩm, chuyển mình phù hợp nhu cầu mới cho thị trường xuất khẩu
(DNTO) - Với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Canada, Mỹ, COFIDEC đã vượt qua khó khăn thời đại dịch, hóa giải thách thức, nắm bắt cơ hội để chuyển mình, tạo đà phát triển.
Là một doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV (SATRA), Công ty COFIDEC chuyên sản xuất các sản phẩm như: thủy hải sản, rau củ quả đông lạnh xuất khẩu.
Với thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản (65%) và Hàn Quốc (20%), còn lại là Úc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Canada, Mỹ (15%), COFIDEC gặp rất nhiều khó khăn trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới. COFIDEC đã vượt qua khó khăn, hóa giải thách thức, nắm bắt cơ hội để chuyển mình, tạo đà phát triển ra sao, cuộc trò chuyện dưới đây với….. đã cho chúng ta câu trả lời đầy thuyết phục.
Phóng viên: Trong bối cảnh chung nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, là một doanh nghiệp xuất khẩu, COFIDEC bị tác động ra sao trong thời điểm ấy, thưa ông?
Ông Đoàn Văn Nam, Quyền Giám đốc Công ty COFIDEC: Tác động của đại dịch Covid-19 đến chuỗi giá trị toàn cầu khá nặng nề, đặc biệt các quốc gia lớn có nền kinh tế mang tầm ảnh hưởng thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc… bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng bởi sự lan tràn của đại dịch, đây cũng là một trong những đối tác thương mại lớn, những thị trường xuất khẩu chính của COFIDEC.
Khi các đối tác này bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, gần như các hoạt động sản xuất, thương mại và tăng trưởng kinh tế của công ty COFIDEC cũng bị ảnh hưởng và suy giảm đáng kể.
Đa phần sản phẩm xuất khẩu của công ty được khách hàng đưa vào các kênh: nhà hàng, siêu thị, trường học, các trung tâm thương mại. Khi dịch bệnh bùng nổ, thực hiện giãn cách xã hội, các kênh phân phối trên cũng phải đóng cửa, ngừng hoạt động.
Thời điểm này, khách hàng Nhật Bản chỉ bán được từ 10% - 20% trên tổng doanh số bán hàng hàng năm, vì vậy họ yêu cầu giảm số lượng xuất hàng. Một số khách hàng thì yêu cầu hủy số lượng đơn đặt hàng khoảng 30% trên đơn hàng đã ký. Các khách hàng như Hàn Quốc, Úc cũng yêu cầu dời lịch xuất hàng khoảng vài tháng sau so với ngày xuất hàng trên hợp đồng.
Việc dời lịch xuất hàng và hủy một phần đơn hàng do ảnh hưởng của Covid-19 không những làm phát sinh chi phí lưu kho, mà còn khiến công ty bị thiếu vốn kinh doanh, do hàng hóa đã sản xuất ra nhưng không xuất được như kế hoạch.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 gây nên những chuyển biến khó lường về kinh tế - xã hội trong và ngoài nước; bên cạnh đó, tình hình chính trị thế giới bất ổn khiến giá cả, chi phí đầu vào ngày càng leo thang gây khó khăn cho kinh doanh, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu.
* Đại dịch khiến các doanh nghiệp “lao đao”, buộc phải tìm kế sách để vượt qua. Những doanh nghiệp nào nhanh nhạy, biết nắm bắt cơ hội thì sẽ bật lên, vươn tầm. Với COFIDEC thì sao, hoạt động xuất khẩu của công ty có phục hồi và phát triển hậu đại dịch, thưa ông?
- Sau đại dịch, kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức, tuy nhiên, nhìn nhận một cách lạc quan, đại dịch Covid-19 cũng tạo nên các cơ hội tốt nếu biết nắm bắt, thay đổi và tận dụng thời cơ để có thể vươn lên mạnh mẽ. Các thị trường xuất khẩu chính của công ty như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc đã dần lấy lại sự cân bằng, theo khuynh hướng thích ứng và sống chung với dịch bệnh, nên nhu cầu tiêu thụ của thị trường cũng ổn định, tăng dần.
Khách hàng đã nhanh chóng thay đổi chuyển dịch kênh, cơ cấu bán hàng, thay vì tập trung kênh bán hàng tại nhà hàng, trung tâm thương mại như trước đây, thì họ đã chuyển sang bán hàng tại siêu thị, quan tâm chú trọng đến các hình thức bán hành trực tuyến, online shopping, TIVI shopping, để người tiêu dùng có thể đặt hàng mua về, tự chế biến thay vì ăn tại chỗ.
Các khách hàng nhanh chóng thích ứng bằng cách thay đổi quy cách đóng gói nhỏ hơn, mẫu mã bao bì đẹp hơn, phù hợp và hấp dẫn hơn để trưng bày tại siêu thị, quảng bá online trên trang web, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Từ những thay đổi này, công ty đã phối hợp cùng khách hàng cho ra đời những sản phẩm với mẫu mã bao bì mới, đẹp hơn.
Với tiềm năng lớn và lợi thế về sự đa dạng cùng chất lượng sản phẩm ổn định, sản phẩm của COFIDEC đến được với nhiều gian hàng hơn tại các siêu thị, lên nhiều bàn ăn hơn của người dân trên khắp nơi trên thế giới. Đồng nghĩa với số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu cũng dần ổn định và tăng trở lại như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
* Dẫu dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng vẫn còn nhiều bất ổn khi chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thông suốt, tác động trực tiếp đến ngành hàng xuất khẩu. Những khó khăn, thách thức hiện nay của COFIDEC là gì?
- Trong quá trình hoạt động, COFIDEC luôn nhận được sự chỉ đạo, quan tâm và hỗ trợ tích cực từ Tổng Công ty (SATRA), nhằm duy trì cho COFIDEC an tâm sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống CB-CNV, cùng một mục tiêu, hướng đến sự phát triển bền vững và toàn diện về mọi mặt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, có thể nói vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như giá đầu vào nguyên liệu tăng, chi phí xăng dầu tăng, theo đó các chi phí khác đều tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển, cước tàu quốc tế (tăng hơn 150%), dầu cọ (tăng 60-70%), bao bì (25-30%), bột, phụ liệu sản xuất (tăng 10-15%).
Thị trường xuất khẩu chính của COFIDEC là Nhật Bản, nhưng nền kinh tế Nhật Bản đang có nguy cơ lao dốc vì dịch Covid-19 tái bùng phát; lạm phát ở quốc gia này đang ở mức cao nhất trong 7 năm qua khiến người dân càng hạn chế chi tiêu. Đồng tiền của Nhật Bản giảm xuống còn 144 Yên so với USD, mức yếu nhất kể từ năm 1998. Đồng Yên mất giá khiến việc kinh doanh của khách hàng bị ảnh hưởng rất nhiều, vì càng nhập khẩu nhiều thì càng không đạt hiệu quả.
Bên cạnh Nhật Bản, đồng Won của Hàn Quốc cũng kéo dài mức sụt giảm, chạm mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, do ảnh hưởng bởi sự thắt chặt tiền tệ mạnh của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ và thâm hụt thương mại gia tăng của Seoul.
Phục hồi sau Covid-19, nhu cầu đơn hàng của khách hàng cũng tăng, tuy nhiên, do nhân sự sản xuất trực tiếp thường xuyên thiếu hụt, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến lực lượng lao động trực tiếp liên tục biến động. Để giải quyết khó khăn này, công ty phải sử dụng 30-40 % lực lượng lao động trực tiếp là lao động khoán thời vụ, điều này cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của công ty.
* Đã có nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Chính phủ giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn còn đó không ít khó khăn, bất cập. COFIDEC còn những trăn trở gì cần kiến nghị, thưa ông?
- Chúng tôi rất vui mừng khi Chính phủ, Nhà nước đã có nhiều chính sách kịp thời giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Là một doanh nghiệp xuất khẩu, chúng tôi mong muốn Chính phủ có những chế tài phù hợp đối với các hãng tàu, để kiểm soát tốt chi phí cước tàu và các chi phí xuất hàng khác một cách ổn định, không để tăng đột biến như những tháng đầu năm 2022.
Tiếp tục thực hiện các cải cách hành chính để giảm thiểu độ cồng kềnh của các thủ tục hải quan.
Có chính sách hỗ trợ, đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất để tạo ra những sản phẩm có giá cạnh tranh, hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Từ thực tế doanh nghiệp đang chịu tác động của dịch bệnh, các bộ ngành cần quan tâm, nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó những hệ lụy từ giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, bên cạnh các chi phí đầu vào tăng như bao bì, hóa chất, vận chuyển, hội nhập…
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.