Doanh nghiệp phát hành - xuất bản nhận thấy tín hiệu tích cực trong giai đoạn bình thường mới

(DNTO) - Bước vào giai đoạn bình thường mới, các doanh nghiệp ngành phát hành - xuất bản nhận thấy tín hiệu tích cực khi có sự trở lại của nhiều khách hàng, bạn đọc. Điều này củng cố thêm niềm tin cho doanh nghiệp về sự phát triển trở lại của nền kinh tế trong thời gian hậu mở cửa.
Ông Phạm Minh Thuận - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phát hành sách TPHCM (Fahasa), bày tỏ: Cũng như các doanh nghiệp khác, trong hơn 4 tháng giãn cách vừa qua, công ty Fahasa cũng gặp nhiều khó khăn, tất cả các nhà sách của công ty trên toàn quốc đều phải đóng cửa tuân thủ các quy định nghiêm ngặt để chống dịch.

Ông Phạm Minh Thuận - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần phát hành sách TPHCM (Fahasa). Ảnh: NVCC.
Trong thời gian này, đơn vị kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, thông qua trang fahasa.com, cung ứng đến các khách hàng các mặt hàng sách giáo khoa, đồ dùng học tập..., phần nào giữ được mức doanh thu từ 25%- 45%, từ tháng 7 đến tháng 9.
Theo ông Thuận, hiện nay tình hình dịch bệnh bước đầu đã được khống chế, các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động với các tín hiệu khả quan. Sau một tuần mở cửa, các nhà sách của Fahasa đã đón nhiều lượt khách hàng, doanh thu những ngày qua đạt đến 75% so với cùng kỳ đã khiến mọi người có thêm niềm tin vào sự trở lại của nhịp sống sôi động của TPHCM. Điều này củng cố thêm niềm tin về sự phát triển trở lại của nền kinh tế trong thời gian hậu mở cửa.
"Về phía doanh nghiệp, điều này thật đáng mừng khi công ty đã được tạo điều kiện kinh doanh trở lại, trong điều kiện tuân thủ các qui định phòng chống dịch trong giai đoạn “bình thường mới” của lãnh đạo thành phố và chính phủ. Doanh nghiệp được chủ động trong các khâu tổ chức kinh doanh, bán hàng, phòng chống dịch giúp an toàn tối đa cho nhân viên và khách hàng khi đến các nhà sách", vị Chủ tịch Fahasa cho hay.
Tuy nhiên, sau 4 tháng đóng cửa theo Chỉ thị giãn cách để phòng chống dịch, tại hầu hết các tỉnh thành phía Nam, nguồn lực của các doanh nghiệp đã bị bào mòn rất nhiều. Vì mặc dù doanh thu giảm rất sâu, nhưng doanh nghiệp vẫn phải chi phí rất nhiều cho mặt bằng, phòng chống dịch, người lao động, vận chuyển và nhiều chi phí khác.
Vì vậy, bây giờ nguồn lực để doanh nghiệp đầu tư cho phát triển gần như không còn. Để doanh nghiệp có thể phục hồi và từng bước phát triển trở lại, đại diện Fahasa kiến nghị rằng, Chính phủ cần có sách phòng chống dịch thống nhất theo vùng, và phải thống nhất thực hiện để đảm bảo lưu thông hàng hoá thuận lợi. Người lao động được di chuyển dễ dàng.
Bên cạnh đó, phải có chính sách miễn giảm thuế, miễn giảm kinh phí công đoàn và các loại chi phí như: Bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội. Đồng thời, có chính sách miễn giảm tiền thuê đất, thuê nhà để giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Về phần mình, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty Đường Sách TP.HCM, cho biết: Hoạt động trở lại trong giai đoạn bình thường mới, công ty đã nhận được những tín hiệu tích cực khi nhận ra sự trở lại của nhiều khách hàng, bạn đọc, điều đó cho thấy nhu cầu về sách với các gia đình hiện tại khá cao.

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty Đường Sách TP.HCM. Ảnh: NVCC.
Đường sách TP.HCM trong ngày đầu mở cửa đã đón hơn 400 lượt khách, vượt xa dự kiến của công ty. Nhiều đơn vị bán hàng tại đây đã có doanh thu xấp xỉ ngày thường. Con số này liên tục tăng vào những ngày sau.
“Người dân sau hơn 4 tháng giãn cách ở nhà đã bày tỏ cùng chúng tôi nhu cầu được đến không gian Đường Sách, cũng như nhu cầu sách mới về cho con, em đọc. Nhiều người đã đến trước giờ mở cửa trở lại rất sớm để tham dự sự kiện, khiến các đơn vị cảm thấy có niềm tin, động lực mạnh mẽ về sự phục hồi của ngành cũng như nền kinh tế chung của cả nước”, ông Hoàng bày tỏ.
Theo ông Hoàng, để hoạt động trong giai đoạn bình thường mới, các doanh nghiệp phát hành – xuất bản cần tăng cường tiếp cận độc giả trong môi trường online thay cho hình thức bán hàng trực tiếp, các đơn vị phải kết nối chặt chẽ hơn với các sàn thương mại điện tử như Lazada, shopee, Tiki…để có thể đưa sản phẩm đến khách hàng, phục vụ bạn đọc nhanh nhất có thể.
Cùng với đó, các đơn vị kinh doanh xuất bản cũng phải đa dạng thể loại sách. Bạn đọc sẽ có nhiều nguồn tiếp cận sách qua Audio book, Ibook…cũng chính là các kênh kinh doanh hiệu quả trong thời đại công nghệ 4.0…

Không gian Đường Sách TP.HCM. Ảnh: Đ.S
“Từ góc độ các công ty chuyên ngành kinh doanh trong lĩnh vực xuất bản, chúng tôi mong muốn được các đơn vị quản lý, các cơ quan hoạch định chính sách lưu ý hơn, cần đưa ra chính sách đặt hàng giúp cho các đơn vị có thể bán được sản phẩm, thông qua hình thức đầu tư công. Đây cũng chính là đầu ra, là nguồn động viên cho các đơn vị, và cũng là nhu cầu trong đào tạo giáo dục, khi nhà nước tăng cường đầu tư công cho hệ thống thư viện, trường học, các nơi vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong được hỗ trợ hơn nữa các chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất..., giãn nợ, giảm lãi suất từ các ngân hàng, giúp các doanh nghiệp có điều kiện kinh doanh hiệu quả và trả nợ vay. Đó cũng chính là những động thái góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất bản hồi phục “sức khoẻ” sau dịch bệnh”, ông Hoàng kiến nghị.