Người đọc vẫn tìm đến sách, bất chấp khó khăn do dịch bệnh
(DNTO) - Kỷ niệm 59 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952-10/10/2021), Hội Xuất bản Việt Nam, Công ty Đường sách TP.HCM tổ chức toạ đàm trực tuyến chủ đề "Văn hoá đọc và sự phát triển của ngành xuất bản trong tương lai".
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Trưởng văn phòng đại diện phía Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM đã có những đánh giá chi tiết về sự phát triển của thị trường xuất bản trong những năm gần đây, cho thấy vai trò của sách trong đời sống, giáo dục cũng như ý thức đọc sách của mỗi thành viên gia đình Việt Nam hiện nay.
Theo đó, các hoạt động xuất bản có sự tăng trưởng khả quan trong những năm từ 2014-2020, trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nguồn sách ngày càng nhiều và phong phú giúp người đọc có nhiều sự lựa chọn trong tình hình cạnh tranh với nhiều phương tiện giải trí khác.
Từ con số 370 triệu bản in năm 2014, đến năm 2020 đã tăng lên 444 triệu, số lượng đầu sách được xuất bản cũng tăng dần lên mỗi năm khoảng 30%. Tỷ lệ sách trên đầu người tăng từ 4,1 cuốn/người/năm 2014 tăng lên 4,6/người/năm 2019. Doanh thu phát hành cũng tăng lên 45% trong thời gian qua.
Không chỉ tăng về doanh số, số lượng các nhà sách cũng phát triển nhanh trên cả nước. Các nhà sách thuộc hệ thống phát hành của Fahasa, Phương Nam... có mặt nhiều tại các tỉnh thành, đưa sách về các vùng sâu vùng xa, góp phần giúp văn hoá đọc ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, so sánh với bức tranh ngành xuất bản, phát hành tại các nước khu vực, những con số này vẫn còn khiêm tốn. Văn hoá đọc của người Việt Nam còn thấp, do chúng ta chưa có thói quen đọc sách vốn được tạo dựng từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Chính vì vậy, thị trường xuất bản vẫn chưa được sự đón nhận đúng với tiềm năng.
Số tựa sách được in nhiều, nhưng số lượng phát hành không cao. Trung bình mỗi tựa sách chỉ phát hành từ 1000-2000 bản. Doanh thu bán sách trên mỗi đầu người chỉ khoảng 2USD/năm, thấp hơn hàng chục lần so với các nước khu vực như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc...
Chính vì vậy, thời gian qua Hội Xuất bản Việt Nam cùng các đơn vị in ấn, phát hành sách đã tổ chức nhiều hoạt động, nâng cao ý thức đọc sách cho trẻ em trong nhà trường; đưa các tiết đọc sách vào trường học, hỗ trợ xây dựng các tủ sách gia đình...
Các đơn vị xuất bản, phát hành cũng có những thay đổi mạnh mẽ trong việc thay đổi mô hình kinh doanh. Bên cạnh cách bán hàng trực tiếp, hiện nhiều đơn vị đã tăng cường bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử, nhận được những tín hiệu đáng mừng.
Ông Lê Hoàng chia sẻ thêm, trong thời gian dịch bệnh, doanh thu các đơn vị xuất bản trở về số 0 vì nhiều khó khăn do ảnh hưởng 4 tháng giãn cách. Tuy nhiên điều đáng mừng, Hội Xuất bản và các đơn vị làm sách trong thời gian giãn cách đã đi đến các nơi trao tặng hơn 20 ngàn bản sách cho người dân, nhận thấy nhu cầu đọc vẫn rất cao. Nhà xuất bản Trẻ trong thời gian giãn cách, doanh thu bán hàng online tăng 70% so với trước đây. Hệ thống Fahasa.com cũng đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng, đạt 30-40% dù tình hình dịch diễn biến phức tạp.
Tại Đường sách TP.HCM, trong ngày đầu mở cửa, 9/10, đã đón nhận khá nhiều lượt khách đến tham quan, mua sắm, dù trải qua các thủ tục kiểm soát dịch nghiêm ngặt.
"Chúng tôi khá bất ngờ và vui mừng vì số lượng người đến thăm và mua sách nhiều hơn dự kiến. Tại hai đầu đường vào Đường sách, chúng tôi bố trí hai nhân viên làm công tác kiểm tra Thẻ xanh Covid-19 cùng các điều kiện chống dịch, nhưng không thể đáp ứng đủ, phải tăng cường thêm người. Doanh số bán ra ngày đầu cũng khả quan, điều này cho thấy người dân vẫn luôn quan tâm đến văn hoá đọc như một nhu cầu cần thiết". Ông Lê Hoàng cho biết.
Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Fahasa cũng bày tỏ sự lạc quan về sự trở lại của khách tại các nhà sách thuộc hệ thống. Trong 10 ngày qua, các nhà sách Fahasa đã đón nhận nhiều lượt khách đến mua sách, nâng doanh thu tăng lên 70% so với cùng kỳ trước đây.
Đánh giá cao việc tiếp cận khách hàng trong chuyển đổi phương thức bán hàng sang hình thức thương mại điện tử, ông Lê Hoàng khẳng định, sắp tới các đơn vị cần phải nỗ lực hơn trong công tác truyền thông, giúp người đọc có nhiều định hướng để lựa chọn tìm đọc và đặt hàng. Đây cũng chính là cách giúp thị trường xuất bản tăng trưởng trở lại, vượt qua khó khăn sau những ngày giãn cách dài vừa qua.