Đường sách TP.HCM đạt doanh thu gần 200 tỷ đồng sau 5 năm hoạt động
(DNTO) - Gần 11,5 triệu lượt khách, gần 200 tỷ đồng doanh thu, hơn 700 chương trình giao lưu tác giả tác phẩm, là những con số ấn tượng mà Đường sách TP.HCM đạt được sau 5 năm hoạt động.
Ngày 5/1, Hội xuất bản TP.HCM, Công ty Đường sách TP.HCM có buổi toạ đàm chủ đề Đường sách TP.HCM - Chặng đường 5 năm nhìn lại, về hành trình đưa văn hoá đọc đến gần hơn với công chúng.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, trong 5 năm qua, Đường sách TP.HCM đã thu hút gần 11,5 triệu lượt khách đến tham quan, tăng dần qua các năm. Gần 700 sự kiện giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm được tổ chức, giúp đưa sách của các đơn vị đến gần hơn với bạn đọc.
Đường sách cũng thu hút nhiều lượt khách nước ngoài đến tham quan, mua sách. Khi đến đường sách, lúc nào cũng bắt gặp hình ảnh người đọc tận hưởng niềm vui với quyển sách trên tay, tâm tình bên ly cà phê trong không gian yên bình, mát mẻ.
Đường sách là điểm đến thân thiện không chỉ của người dân TP.HCM, mà còn lan toả đến du khách cả nước và bạn bè quốc tế. Nơi đây không chỉ là nơi mua, đọc và trao đổi sách mà còn là nơi trao đổi nghề nghiệp của các tác giả, nhiều sự kiện văn hoá đọc, văn học nghệ thuật.
Đường sách TP.HCM còn là nơi diễn ra các hoạt động lưu truyền và phát huy văn hoá truyền thống của dân tộc thông qua ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật sân khấu, nhiếp ảnh, hội hoạ…
Nhiều trường học đã chọn Đường sách TP.HCM làm nơi đưa học sinh, sinh viên đến học tập ngoại khoá, phát triển kỹ năng và hình thành thói quen đọc sách.
Bà Quách Thu Nguyệt, nguyên giám đốc NXB Trẻ, cho rằng thành công của Đường sách TP.HCM là nhờ các yếu tố mang tính nền tảng. TP.HCM là nơi có nhiều điểm mạnh về xuất bản, người dân yêu thích văn hoá đọc, những người làm nghề đầy tâm huyết... cùng sự hỗ trợ của lãnh đạo.
Sau 5 năm, những người yêu mến Đường sách TP.HCM và mong muốn Đường sách phát triển đúng với tiêu chí cần có. Đây không chỉ là một thư viện ngoài trời cho người dân, mà còn là không gian để những người yêu sách, yêu văn hoá đọc cùng tìm đến để sống trong không khí đầm ấm và văn minh.
"Thành công của Đường sách không chỉ là xây dựng hình ảnh, không gian văn hóa giàu bản sắc, thú vị như một thư viện khổng lồ giữa lòng thành phố nhộn nhịp mà còn mang lại những giá trị về ứng xử văn hóa, những hiệu quả về kinh tế - xã hội (với những con số ấn tượng - hơn 3 triệu lượt khách/ năm, sách bán ra hơn 900.000 cuốn/ năm, doanh thu gần 50 tỷ/ năm), cùng những chương trình, hoạt động, những dịch vụ gắn với việc khích lệ văn hóa đọc...", bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó chủ tich UBND TP.HCM chia sẻ.
Ông Dương Thành Truyền - Uỷ viên BCH Hội xuất bản Việt Nam mong muốn trong tương lai lâu dài, Đường sách phải được nhìn nhận như một di sản văn hoá, vì vậy không biến Đường sách là nơi kinh doanh đơn thuần. Đường sách phải được chăm chút, cần được đầu tư như một không gian văn hoá đặc biệt, kiến tạo như một công trình dành cho văn hoá, du lịch mang đậm dấu ấn của Sài Gòn - TP.HCM.